Mỹ có thể dỡ bỏ hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông 'đang giải quyết vấn đề này', khi được hỏi liệu Mỹ có dỡ bỏ hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa hay không.
Trong hơn 2 năm qua, Mỹ không muốn cung cấp hoặc cho phép Ukraine sử dụng những loại vũ khí có thể tấn công mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga vì lo ngại sẽ làm leo thang xung đột.
Các đồng minh khác của Kiev đã cung cấp vũ khí tầm xa, nhưng cũng hạn chế về cách thức và thời điểm sử dụng trong nước Nga vì lo ngại Mátxcơva trả đũa, kéo các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia vào cuộc xung đột hoặc dẫn đến chiến tranh hạt nhân.
Tuần trước, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ đã tiến gần tới việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, nhưng Kiev sẽ phải đợi vài tháng vì Mỹ đang xử lý các vấn đề kỹ thuật trước khi chuyển giao.
Ngày 10/9, Thủ tướng Ukraine cảnh báo nước này có thể đối mặt với mùa đông khắc nghiệt nhất kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, trong bối cảnh số vụ không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine gia tăng.
Các đợt tấn công của Nga liên tiếp giáng những đòn nặng nề vào hệ thống cung cấp năng lượng của Ukraine, khiến đất nước này phụ thuộc rất nhiều vào ba nhà máy điện hạt nhân và nhập khẩu điện từ các nước Liên minh châu Âu.
"Khả năng phục hồi hạ tầng năng lượng là một trong những thách thức lớn nhất của chúng ta trong năm nay", Thủ tướng Denys Shmyhal phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev.
Thủ tướng Shmyhal cho biết Chính phủ Ukraine, với sự hỗ trợ của các nước châu Âu, đang khẩn trương triển khai một số sáng kiến để phân cấp sản xuất điện, nhằm giảm thiểu nguy cơ bị tấn công. Điều đó bao gồm việc mở rộng năng lực sản xuất điện tái tạo.