Mỹ công bố chiến lược 'ít quy định' nhằm giữ vị thế dẫn đầu về AI

Ngày 23/7, chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố 'Kế hoạch Hành động về AI' - chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) mới của Mỹ nhằm tăng cường đổi mới, xây dựng hạ tầng và duy trì vị thế dẫn đầu toàn cầu, trong khi ưu tiên cắt giảm các ràng buộc pháp lý để thúc đẩy khu vực tư nhân.

Tại sự kiện công bố kế hoạch ở Washington, Tổng thống Trump tuyên bố: “Mỹ là quốc gia khởi động cuộc đua AI. Với tư cách là Tổng thống, tôi có mặt ở đây để khẳng định rằng Washington sẽ chiến thắng trong cuộc đua này”. Ông so sánh tầm quan trọng của AI với cuộc chạy đua không gian và cho rằng đây là phép thử lớn đối với năng lực công nghệ quốc gia.

Bản kế hoạch dài 25 trang gồm 90 đề xuất, nhấn mạnh vai trò trung tâm của lĩnh vực tư nhân và giảm thiểu can thiệp của nhà nước. Chính quyền Mỹ cam kết “loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà và quy định phiền hà” vốn bị coi là cản trở đổi mới sáng tạo trong AI. Chính quyền cũng cảnh báo sẽ cắt giảm viện trợ liên bang với những bang ban hành quy định riêng về AI, đồng thời kêu gọi áp dụng tiêu chuẩn thống nhất ở cấp quốc gia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại sự kiện “Chiến thắng cuộc đua AI” ngày 23/7. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại sự kiện “Chiến thắng cuộc đua AI” ngày 23/7. Ảnh: Reuters

Theo ông Trump, các hệ thống AI phát triển tại Mỹ phải “không mang định kiến ý thức hệ” và cần phục vụ mục tiêu theo đuổi sự thật khách quan, tránh bị ảnh hưởng bởi các chương trình định hướng xã hội như chính sách đa dạng và hòa nhập. Tiêu chí này sẽ trở thành điều kiện tiên quyết đối với các công ty công nghệ nếu muốn hợp tác với chính phủ liên bang.

Một nội dung đáng chú ý trong chiến lược là đề xuất miễn trừ bản quyền diện rộng cho các mô hình AI. Theo ông Trump, “không chương trình AI nào có thể thành công nếu phải trả tiền cho từng bài viết, cuốn sách hay tài liệu mà nó tiếp cận trong quá trình huấn luyện”. Đây là vấn đề đang gây tranh cãi trong nhiều vụ kiện liên quan đến sở hữu trí tuệ và AI.

Về hạ tầng, kế hoạch đặt trọng tâm vào đơn giản hóa các thủ tục cấp phép cho trung tâm dữ liệu và nguồn cung năng lượng, kể cả các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than, động thái gây tranh cãi do bỏ qua các quan ngại về môi trường. Chính phủ Mỹ cũng đề xuất tạo ngoại lệ trong quy trình đánh giá môi trường để đẩy nhanh xây dựng cơ sở dữ liệu, mở rộng quyền tiếp cận đất công liên bang cho phát triển hạ tầng AI.

Mặt khác, chiến lược cũng mang đậm màu sắc địa chính trị khi nhấn mạnh mục tiêu “chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc” tại các cơ quan quốc tế điều hành AI và siết kiểm soát xuất khẩu công nghệ AI tiên tiến. Chính quyền Mỹ kêu gọi đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa thâm nhập thị trường nước ngoài, thiết lập “tiêu chuẩn vàng” về công nghệ Mỹ trên toàn cầu.

Theo Ngoại trưởng Marco Rubio, chiến lược này nhằm bảo đảm “thế giới tiếp tục vận hành dựa trên công nghệ Mỹ”, đồng thời bảo vệ vị thế công nghệ của nước này trước các đối thủ lớn như Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến lược mới vấp phải chỉ trích từ các tổ chức dân sự và giới bảo vệ môi trường. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ cảnh báo việc ngăn chặn các quy định ở cấp bang sẽ làm suy yếu khả năng bảo vệ quyền công dân và chống thiên vị trong AI, đặc biệt ở các lĩnh vực nhạy cảm như tuyển dụng, giáo dục, y tế và hành pháp.

Một số chuyên gia cũng lo ngại rằng việc nới lỏng quy định và thúc đẩy phát triển AI bằng mọi giá sẽ tạo điều kiện cho các tập đoàn công nghệ lớn mở rộng ảnh hưởng mà không bị ràng buộc trách nhiệm xã hội, nhất là khi những cam kết cắt giảm phát thải carbon đang bị coi nhẹ nhằm phục vụ nhu cầu tính toán ngày càng lớn từ AI.

Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt, chiến lược "ít quy định" này cho thấy rõ định hướng của chính quyền Tổng thống Trump: Ưu tiên sức mạnh công nghệ quốc gia và lợi thế địa chính trị, bất chấp các lo ngại về tác động môi trường hay đạo đức AI.

K.N

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/my-cong-bo-chien-luoc-it-quy-dinh-nham-giu-vi-the-dan-dau-ve-ai-320342.html