Mỹ công bố lệnh hạn chế đầu tư vào công nghệ của Trung Quốc
Hôm qua (9/8), Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn chặn người Mỹ đầu tư vào các công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc như chip máy tính.
Sắc lệnh này dự kiến triển khai vào năm 2024 và nhắm tới các khoản đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn và vi điện tử, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo (AI).
“Tôi nhận thấy một số quốc gia đáng quan ngại đang thực hiện các chiến lược tổng thể, dài hạn nhằm định hướng, tạo điều kiện hoặc hỗ trợ phát triển những công nghệ và sản phẩm nhạy cảm có ý nghĩa quan trọng đối với năng lực quân sự, tình báo, giám sát và các hành vi trên mạng của một quốc gia”, Tổng thống Joe Biden nói.
Theo sắc lệnh của ông Biden, các nhà đầu tư Mỹ rót vốn ra nước ngoài phải báo cáo với Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai sắc lệnh hành pháp này. Cụ thể, bà Yellen sẽ phải xác định các công nghệ và sản phẩm nhạy cảm trong danh mục đã nêu để cấm và yêu cầu nhà đầu tư thông báo.
Bà Yellen cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines.
Trước khi ông Biden ký sắc lệnh hành pháp, các quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden cho biết, các hạn chế mới nhất được thiết kế để không bóp nghẹt hoạt động kinh doanh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một quan chức giấu tên chia sẻ với CNBC rằng: “Chúng tôi biết từ lâu rằng các dòng vốn đầu tư xuyên biên giới đã giúp ích cho nền kinh tế Mỹ. Sắc lệnh hành pháp này bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và có mục tiêu nhắm đến khá hẹp, đồng thời duy trì sự cởi mở của hoạt động đầu tư”.
Một quan chức khác cho biết, ông Biden đã thảo luận với các quốc gia đồng minh, nhà lập pháp trong nước và lãnh đạo các ngành trước khi ban hành sắc lệnh. Các biện pháp mới cũng nhắm đến các lợi ích đầu tư vô hình như giới thiệu chuyên gia và những cơ hội kết nối khác.
“Trung Quốc không cần tiền từ Mỹ, họ là nước xuất khẩu vốn ròng. Do đó, điều mà chúng tôi cố gắng ngăn cản không phải là dòng tiền vào Trung Quốc nói chung, bởi nước này có rất nhiều tiền. Thứ mà Trung Quốc thiếu là bí quyết”, vị quan chức này nói và cho biết thêm, dựa trên các trao đổi trước đó, chính quyền ông Biden dự kiến các nước đồng minh cũng sẽ đưa ra những hạn chế tương tự.
Sắc lệnh này của ông Biden là động thái mới nhất trong loạt hành động của Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến. Sự hạn chế mà Mỹ đặt ra với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ được cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi là chiến lược “sân nhỏ, rào cao”.
Về phần mình, Trung Quốc đã cáo buộc rằng, hành động của Mỹ được đưa ra nhằm cản trở tiến bộ công nghệ của Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 10/8 bày tỏ quan ngại sâu sắc về sắc lệnh mà ông Biden vừa ký, nói rằng sắc lệnh này đi ngược những nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng và kinh tế thị trường mà Mỹ luôn luôn ủng hộ, và cho rằng Trung Quốc có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả.
Mỹ đã thuyết phục các nước đồng minh nhằm đi đến sự đồng thuận cao nhất có thể về sự cần thiết phải hạn chế đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này không hề đơn giản, bởi các quốc gia khác lo ngại rằng hành động của Mỹ có thể đi quá xa, và trong một số trường hợp các quốc gia khác còn gặp phải trở ngại về pháp lý trong nước.
Giới chức Mỹ đã bày tỏ hy vọng rằng một số quốc gia sẽ hành động một khi Mỹ đi đầu, nhưng ngay cả một số đồng minh thân cận của Mỹ dường như cũng đang chùn bước. Các quan chức Nhật Bản đã nói rõ rằng, Nhật Bản không có ý định sửa đổi luật đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho biết Anh và Đức, cũng như Ủy ban châu Âu (EC), đã bày tỏ quan tâm đến việc phát triển các cơ chế đầu tư ra nước ngoài tương tự như cách làm của Mỹ
Đảng Cộng hòa chỉ trích chính quyền ông Biden không đưa ra một sắc lệnh rộng hơn. Bà Nikki Haley, một trong những ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, cho rằng đó "thậm chí còn chưa phải là một biện pháp nửa vời”.
“Để ngừng tài trợ cho quân đội Trung Quốc, chúng ta phải ngừng tất cả các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty quân sự và công nghệ quan trọng của Trung Quốc”, bà nói.
Bà Emily Kilcrease, một chuyên gia công nghệ tại tổ chức tư vấn CNAS, nhận định đây là bước đi đầu tiên tốt để giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc nhưng sẽ khiến nhiều phe không hài lòng.
Bà nhận định rằng, một số người sẽ chỉ trích sắc lệnh của ông Biden vì biện pháp này không rộng hơn, nhưng khoảng thời gian cần thiết để đi đến một quy tắc cuối cùng từ sắc lệnh này sẽ tạo dư địa để thay đổi.