Mỹ: Công nghệ mới 'thần kỳ' giúp người liệt tìm thấy cảm giác và cử động trở lại

Thomas, một người đàn ông bị liệt từ ngực trở xuống sau một tai nạn do lặn biển hồi tháng 7/2020, đã có thể cử động tay trở lại nhờ thử nghiệm công nghệ mới này.

Chad Bouton (bên phải) làm việc trong phòng thí nghiệm với công nghệ mới tại Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein cùng với Keith Thomas, bệnh nhân bị liệt. (Nguồn: Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstei)

Chad Bouton (bên phải) làm việc trong phòng thí nghiệm với công nghệ mới tại Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstein cùng với Keith Thomas, bệnh nhân bị liệt. (Nguồn: Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstei)

Theo Tạp chí Time, Chad Bouton, kỹ sư sinh học tại Viện Feinstein, New York, Mỹ, người đứng đầu cuộc thử nghiệm cho biết, Thomas là người đầu tiên trên thế giới được phẫu thuật bắc cầu thần kinh kép-một công nghệ liên kết não, tủy sống và cơ thể để phục hồi khả năng cử động và xúc giác.

Cuộc phẫu thuật cho Thomas kéo dài 15 tiếng. Anh được cấy năm mảng điện nhỏ và mảnh vào những vùng não kiểm soát chuyển động và cảm giác ở bàn tay và các ngón tay phải.

Trong lúc phẫu thuật, bác sĩ thỉnh thoảng gọi anh dậy để xác nhận các mảng điện đã được cấy đúng chỗ. Thomas nói anh đã có thể cảm thấy một số ngón tay của mình lần đầu tiên sau gần ba năm.

Giờ đây, khi Thomas muốn thực hiện một động tác, ví dụ như bóp một chai nước, các mảng điện sẽ truyền tín hiệu từ não tới một máy tính qua cáp HDMI kết nối với bộ khuếch đại tín hiệu trên đầu.

Từ đây, máy tính sẽ giải mã tín hiệu và yêu cầu các điện cực đặt trên da của Thomas kích thích những nhóm cơ cần thiết để bắt đầu động tác. Toàn bộ quá trình xảy ra tức thì, thế nhưng Thomas vẫn cần phải cố gắng tưởng tượng và thực hiện động tác đó.

Hình ảnh các bộ khuếch đại tín hiệu trên đầu Thomas (Nguồn: Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstei)

Hình ảnh các bộ khuếch đại tín hiệu trên đầu Thomas (Nguồn: Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstei)

Bên cạnh việc bắt đầu cử động được, Thomas đang lấy lại cảm giác của mình. Khi anh chạm vào đồ vật hoặc người nào đó, các cảm biến trên da của anh sẽ gửi tín hiệu đến não thông qua máy tính.

Hiện tại, Thomas có thể cảm nhận được một bàn tay trong tay mình, hoặc một chiếc lông vũ đang vuốt ve các cảm biến trên đầu ngón tay. Dù vậy, việc cảm nhận không được như trước khi xảy ra tai nạn vì mỗi lần chạm với Thomas như một sự kích thích cực đại. Tuy nhiên, đây cũng là một tiến triển khả quan.

Không chỉ kết nối từ não tới cánh tay, hệ thống kể trên còn kết nối não và tủy sống của Thomas. Điều này kích hoạt lại những phần đã bị liệt ở tủy sống, giúp cơ thể có thể tự di chuyển và cảm nhận mọi thứ.

Chỉ vài tháng sau cuộc phẫu thuật, Thomas đã cử động được tay mà không cần máy tính trợ giúp, anh cũng có cảm giác tác động lên tay khi nhắm mắt.

Thomas ngày càng trở nên phấn chấn hơn. Anh vẫn tiếp tục trị liệu không chỉ cho bản thân, mà để giúp mang công nghệ này đến nhiều người cùng hoàn cảnh.

Giống như Thomas, kỹ sư Bouton cho rằng, các sản phẩm như trên có thể phù hợp với những người bị tê liệt nhẹ, chẳng hạn như người bị đột quỵ hoặc những người không muốn trải qua phẫu thuật não. Theo anh Bouton, nếu hệ thống hiệu quả với nhóm bệnh nhân đó, điều này có nghĩa “nó đã mở ra cánh cửa cho hàng triệu triệu người trên khắp thế giới”.

Hình ảnh Thomas nắm tay người thân của mình sau khi lấy lại được cảm nhận ở bàn tay. (Nguồn: Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstei)

Hình ảnh Thomas nắm tay người thân của mình sau khi lấy lại được cảm nhận ở bàn tay. (Nguồn: Viện Nghiên cứu Y khoa Feinstei)

(theo Time)

Nguyễn Trọng Nghĩa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-cong-nghe-moi-than-ky-giup-nguoi-liet-tim-thay-cam-giac-va-cu-dong-tro-lai-236653.html