Gói hỗ trợ mới quân sự mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine sẽ bao gồm các tên lửa GMLRS tầm xa thế hệ mới, khiến cho Kyiv đủ sức tấn công các mục tiêu nằm trong bán đảo Crimea đang do Nga kiểm soát.
Sau khi Mỹ tuyên bố không có kế hoạch chuyển giao tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn MGM-140 ATACMS cho Ukraine, được biết một loại đạn dẫn đường GMLRS thế hệ mới sẽ nằm trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất.
Về tầm bắn, mặc dù loại đạn này vẫn còn thua kém tên lửa ATACMS khá nhiều khi chúng chỉ có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 150 km (so với 300 km), nhưng con số trên vẫn gấp đôi so với những quả đạn mà Quân đội Ukraine đang được trang bị.
Theo tờ Military Watch, Mỹ đang xem xét khả năng chuyển giao tên lửa cho Ukraine, loại đạn này thực sự có khả năng vươn tới bán đảo Crimea. Đánh giá về khả năng kỹ thuật, chúng ta không nói về tên lửa M30 và M31.
Tuy nhiên, vì đã đề cập đến việc chuyển giao tên lửa GMLRS, nên có những suy đoán rằng chúng ta đang nói về một biến thể nâng cấp có tên gọi ER-GMLRS, được phát triển vào năm 2021 và có phạm vi tiêu diệt mục tiêu lên đến 150 km.
“Hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được dữ liệu chính xác về chủng loại, phiên bản sửa đổi và số lượng đạn GMLRS thế hệ mới cho các tổ hợp M142 HIMARS cũng như M270 MLRS dự kiến được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Ukraine".
"Mặc dù vậy, khả năng cao đó là biến thể ER-GMLRS với tầm bắn 150 km, cho phép pháo binh Ukraine tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách xa đáng kể so với con số 70 - 80 km của đạn M31 hiện nay", tờ Military Watch nói rõ.
Với loại đạn cũ, nếu muốn dùng M142 HIMARS để tấn công các mục tiêu trên bán đảo Crimea, Quân đội Ukraine sẽ phải nỗ lực chiếm Kherson thì mới có cơ hội triển khai bệ phóng.
Tuy nhiên với đạn ER-GMLRS thế hệ mới, lực lượng vũ trang Ukraine có thể triển khai xe mang phóng tự hành của M142 HIMARS hay M270 MLRS từ cự ly xa hơn nhiều rồi tiến hành khai hỏa.
Bất chấp sức công phá của đạn ER-GMLRS không thực sự cao và còn thua xa so với tên lửa ATACMS nhưng chúng vẫn có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho các mục tiêu quân sự của Nga trên bán đảo.
Trước diễn biến trên, giới phân tích dự báo Nga sẽ phải tăng cường các tổ hợp phòng không chuyên dụng cho việc đánh chặn tên lửa đạn đạo như S-300V4, hay thậm chí là S-400 tới bảo vệ những cơ sở quan trọng của mình.
Nhưng sẽ là một bài toán khó đối với Nga, bởi một quả tên lửa đánh chặn trang bị cho hệ thống S-300V4 hay S-400 có giá thành cao gấp hàng chục lần so với ER-GMLRS. Ngoài ra để đảm bảo xác suất trúng đích, thường phải phóng ít nhất 2 tên lửa để để chặn 1 đạn tấn công.
Cơ số đạn tên lửa phòng không của Nga ngay cả trong thời điểm kho dữ trữ đầy ắp cũng khó lòng so sánh với số lượng đạn GMLRS mà các tổ hợp pháo phản lực dẫn đường Ukraine có thể phóng đi.
Để ngăn chặn hiệu quả, Nga sẽ phải dùng phương thức phòng ngự chủ động, tức là cho máy bay chiến đấu hay UAV cảm tử săn lùng những bệ phóng M142 hay M270 để diệt chúng từ xa.
Bạch Dương