Mỹ đã sẵn sàng đưa quân đến 'sát nách' Nga

Theo Business Insider, từ lâu Ba Lan đã bày tỏ ý muốn Mỹ cho quân đồn trú lâu dài tại nước này, làm 'thanh chắn barrie' ngăn cản tầm ảnh hưởng của Nga.

Quân đội Mỹ trong một lần tập trận ở Ba Lan

Quân đội Mỹ trong một lần tập trận ở Ba Lan

Mặc dù thế, Washington bấy nay vẫn không rõ ràng trong cách tiếp cận quân sự tại Ba Lan. Nhưng điều này có thể sớm thay đổi dưới thời tổng thống Donald Trump.

Trong hơn một năm qua, Mỹ và Ba Lan đã đàm phán về một thỏa thuận như thế và theo các quan chức Ba Lan, thỏa thuận này có thể được chốt lại sớm nhất là vào ngày 1/9 tới, Business Insider tường thuật.

Tuy nhiên, sự hiện diện thường xuyên của quân đội Mỹ gần biên giới Nga chắc chắn sẽ khiến Moscow tăng cường binh lực lên khu vực biên giới giáp với Ba Lan, đưa nước này vào thế kẹt giữa sự ganh đua ngày càng tăng nhiệt giữa hai cường quốc quân sự.

Nằm ở vị trí tiền đồn trong cuộc đối đầu Nga-Phương Tây ở khu vực Trung và Đông Âu, Ba Lan từ lâu đã tìm kiếm một cam kết đảm bảo an ninh vững chắc hơn từ Mỹ. Mặc dù đã gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc đại tây dương (NATO) từ năm 1999, Ba Lan vẫn thiếu một sự hiện diện quy mô, lâu dài của lực lượng NATO mà các nước Tây Âu như Đức và Ý có.

Do vậy, Ba Lan vẫn cảm thấy dễ bị tổn thương trước tầm ảnh hưởng của Nga. Cuộc xung đột ở Crimea năm 2014 và sau đó Nga sáp nhập vùng đất này từ tay Ukraine, càng khiến Warsaw e ngại.

Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine cũng tạo ra cho Ba Lan cơ hội sử dụng vị thế tiền đồn để mặc cả với NATO. Ba Lan, cùng với các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva từ sau sự kiện Ukraine đã nhận được hỗ trợ rõ ràng hơn từ Mỹ và NATO, cụ thể là tăng cường hiện diện quân sự dưới dạng bán thường xuyên với sự quay vòng của 4.500 lính đồn trú.

Trong một cuộc gặp với tổng thống Trump hồi tháng 9/2018, tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đề nghị cung cấp cho Mỹ 2 tỷ USD hỗ trợ một lực lượng Mỹ cỡ một sư đoàn (10.000-15.000 lính) đóng quân bên sông Vistula ở biên giới phía đông, thậm chí còn đề nghị đặt tên căn cứ này là “Fort Trump."

Kể từ đó đến nay, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ba Lan đã tiến triển nhanh và các quan chức Mỹ hé lộ rằng sẽ có "thể thức mới" trong quan hệ quân sự với Ba Lan.

Thay vì đóng quân ở một căn cứ, Mỹ đề nghị đóng quân rải rác trong nhiều căn cứ sẵn có, trải khắp Ba Lan như ở các vùng Redzikowo, Poznan và Orzysz.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/my-da-san-sang-dua-quan-den-sat-nach-nga-1427563.tpo