Mỹ đã sẵn sàng tiến hành các vụ thử hạt nhân mới
Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, Mỹ đã sẵn sàng cho các vụ thử vũ khí hạt nhân mới ngay trong vài tháng tới nếu nhận được lệnh từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đánh giá về vấn đề này, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề hạt nhân, Drew Walter tuyên bố với hãng tin quân sự Defense News, Mỹ có thể ngay lập tức chuẩn bị cho các vụ thử hạt nhân quy mô nhỏ và vừa để thu thập dữ liệu. Với quy mô được khống chế, các vụ thử hạt nhân như vậy có thể diễn ra ngay trong năm 2020. Tuy nhiên, để thực hiện các vụ thử hạt nhân quy mô lớn, thời gian chuẩn bị cần dài hơn, từ 1 năm hoặc lâu hơn nữa. Các vụ thử quy mô như vậy cần dữ liệu từ các vụ thử hạt nhân cỡ nhỏ để điều chỉnh phạm vi và mức độ ảnh hưởng do phóng xạ từ các vụ nổ gây ra.
“Tôi cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Mỹ có đủ công nghệ và nguồn lực để thực hiện các vụ thử hạt nhân ở cấp độ giới hạn”, ông Drew Walter cho biết.
Theo Washington Post, trung tuần tháng 5-2020, giới chức an ninh cấp cao Mỹ đã có cuộc họp đặc biệt về khả năng nối lại các vụ thử hạt nhân bị gián đoạn từ năm 1992. Theo đó, Mỹ buộc phải có động thái thích hợp sau thông tin Nga và Trung Quốc đang âm thầm thử nghiệm các loại vũ khí hạt nhân công suất thấp. Các vụ thử hạt nhân mới sẽ gây sức ép buộc Nga và Trung Quốc phải tham gia vào Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới. Hiệp ước tương tự giữa Nga và Mỹ sẽ hết hạn vào tháng 2-2021.
Cùng với tuyên bố nối lại các vụ thử hạt nhân, Mỹ gần đây đang có hàng loạt động thái gia tăng căng thẳng. Gần đây nhất là việc, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở có giá trị trong việc kiểm soát vũ khí của các bên tại châu Âu. Cùng với đó, trong tháng 4-2020, Mỹ cũng âm thầm nâng cấp 20 đơn vị bom hạt nhân B61 tại căn cứ quân sự Büchel, Đức.
Nhận định về những hệ lụy khi Mỹ khơi mào các vụ thử hạt nhân mới, nhà phân tích quân sự người Nga, Valery Menchikov nhận định, nó sẽ tạo ra cuộc chạy đua mới và kích động các quốc gia đang sở hữu công nghệ hạt nhân mau chóng biến chúng thành vũ khí.
“Một điều rõ ràng nhất có thể thấy là khi Mỹ thử vũ khí hạt nhân mới, đồng nghĩa với việc thế giới bước vào cuộc chạy đua vũ trang. Sẽ có nhiều quốc gia khác học theo cách làm của người Mỹ”, ông Valery Menchikov dự đoán.
Quy mô của “câu lạc bộ hạt nhân” sẽ mở rộng không chỉ bao gồm 5 quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà còn nhiều quốc gia khác, trong đó có Israel, Ấn Độ và Pakistan.