Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Ngay cả trước khi giới hạn có hiệu lực, giá dầu của Nga đã suy giảm mạnh". Ông Ned Price nhấn mạnh rằng các nước G7 và Úc đưa ra mức giá trần để Nga mất một phần đáng kể doanh thu từ dầu mỏ.
Theo ông Price, các biện pháp trừng phạt đã bắt đầu phát huy tác dụng, mặc dù một số quốc gia vẫn từ chối tham gia cuộc chiến trừng phạt chống lại Moskva.
Tuy nhiên kết luận trên bị cho là sai lầm, vì không chỉ riêng dầu của Nga ngày càng rẻ hơn. Ông Igor Yushkov, chuyên gia hàng đầu của Quỹ An ninh năng lượng quốc gia trong trả lời phỏng vấn tờ PolitRussia cho rằng việc dầu giảm giá bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hoàn toàn khác nhau.
“Hạn chế này không được đưa ra để chống lại Anh, nhưng giá dầu của nước này cũng giảm. Vì vậy, nói về hiệu quả của giá trần theo cách như vậy là không đúng".
"Nếu bạn nhìn vào các loại dầu khác nhau, thì dầu tại vùng Viễn Đông của Nga vẫn không giảm giá. Giá giảm chủ yếu ở Ural, mà chúng tôi vận chuyển ở Baltic”, ông Yushkov nói rõ.
Như nhà kinh tế đã lưu ý, ngày nay dầu đang trở nên rẻ hơn không chỉ ở Nga mà trên toàn thế giới. Điều này xảy ra vì hai lý do. Đầu tiên, thị trường lo sợ về một cuộc suy thoái, trong đó nhu cầu về nhiên liệu sẽ giảm mạnh.
Chuyên gia Yushkov giải thích: “Vì lý do này, mọi người bắt đầu bán dầu kỳ hạn tương lai trước, điều này khiến giá giảm xuống trông thấy".
Thứ hai, không thể bỏ qua tác động từ những bước đi của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), khi cơ quan này đã tăng lãi suất cơ bản nhiều lần liên tiếp.
“Điều đó dẫn đến thực tế là các khoản vay trở nên đắt đỏ, nguồn cung tiền bị thu hẹp. Có ít tiền hơn tham gia vào sàn giao dịch, dẫn đến mức độ mua hàng giảm xuống, bao gồm cả dầu kỳ hạn tương lai”, chuyên gia Igor Yushkov cho biết.
Đồng thời, còn quá sớm để nói về việc áp giá trần đối với dầu của Nga sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường. Theo nhà kinh tế, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cố tình đưa ra kết luận sai về hiệu quả của các hạn chế mới, mục đích để ý nghĩa của chúng không bị nghi ngờ.
“Họ cần chứng minh rằng các biện pháp trừng phạt có tác dụng. Để chứng tỏ rằng người Mỹ sở hữu đủ công cụ gây áp lực lên bất kỳ quốc gia nào bị xem là đối thủ".
"Nếu nói rằng các biện pháp trừng phạt đã được đưa ra, và vẫn chưa rõ liệu chúng có hiệu quả hay không rõ ràng sẽ là 'phá giá' công cụ chính sách đối ngoại dưới hình thức một chiếc dùi cui trừng phạt”, chuyên gia người Nga nhấn mạnh.
Theo ông Yushkov: "Với thực tế trên, Mỹ sẽ nói rằng các biện pháp trừng phạt đang thu được kết quả tốt, chúng hoạt động một cách rất hiệu quả và mọi thứ xảy ra trên thế giới đều theo sắp đặt của Washington như là nó luôn phải như vậy".
Trên thực tế, ảnh hưởng chính đến giá cả là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cũng như cách Trung Quốc thi hành những hạn chế về kiểm dịch, điều này dẫn đến nhu cầu dầu giảm mạnh trên toàn thế giới.