Mỹ đang làm gì với kho vũ khí hạt nhân?
Theo ICAN, Mỹ đang bí mật nâng cấp kho vũ khí hạt nhân triển khai tại các căn cứ không quân ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thay mới đầu đạn
Hãng RIA dẫn lời Alistair Burnett, người đứng đầu truyền thông của Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN), Mỹ đang nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình ở châu Âu bằng cách thay thế các đầu đạn cũ bằng những đầu đạn thế hệ mới.
"Người ta có thể thấy điều đó qua cách máy bay của Không quân Mỹ được thiết kế cho loại hình vận tải này đang được theo dõi trực tiếp trên không.
Chính quyền Mỹ không nói về điều đó một cách công khai, nhưng việc nâng cấp kho vũ khí hạt nhân này đang diễn ra và là điều đáng chú ý", ông nói.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Điều phối viên Nghiên cứu và Chính sách của ICAN Alicia Sanders-Zakre trước đó kêu gọi rút kho vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu càng sớm càng tốt.
Sanders-Zakre nói trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn Nga: "Việc chia sẻ vũ khí hạt nhân hoặc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước ngoài là một bước đi nguy hiểm và leo thang cần phải bị lên án trên toàn thế giới và phải ngăn chặn khẩn cấp".
Nguyên tắc chia sẻ hạt nhân là sự sắp xếp của NATO quy định rằng "lợi ích, trách nhiệm và rủi ro của việc răn đe hạt nhân được chia sẻ" trên toàn bộ liên minh, trang web chính thức của tổ chức này cho biết.
Theo ước tính của ICAN, Mỹ hiện có khoảng 150 quả bom hạt nhân B61 triển khai tại các căn cứ không quân của Mỹ ở Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ.
B61 được thiết kế năm 1963, được sản xuất từ năm 1968. Đây được coi là lý do khiến Mỹ đang nâng cấp dòng bom chiến thuật này với những đầu đạn tối tân hơn.
Không chỉ là B61
Đánh giá về động thái được cho là Mỹ đang nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, Aleksei Borzenko, chuyên gia quân sự kỳ cựu người Nga nói, việc Mỹ liên tiếp phóng tên lửa chiến lược Minuteman III hồi đầu tháng 6 đã nói lên nhiều điều.
"Tôi nghĩ Mỹ đang tiến hành kiểm tra tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của mình. Thực tế là họ đã không tiến hành bất kỳ cuộc thử nghiệm nào trong một thời gian dài", học giả Borzenko nói.
Chuyên gia này đồng thời nhắc lại rằng Nga thử tên lửa chiến lược trung bình một hoặc hai lần một năm để đảm bảo tính sẵn sàng.
Người Mỹ đã ngồi trên những gì họ có. Nhiều tên lửa trong số này đã rất cũ và sự phát triển này đã có từ những năm 70 và 80. Vì vậy, họ chỉ muốn thử nghiệm tên lửa này và từng bước hiện đại hóa lực lượng hạt nhân bằng tên lửa mới.
Thực tế là công nghệ tên lửa ngày nay là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất khi nói đến việc cải thiện sức mạnh quân đội", học giả Nga nói khi đề cập đến tình trạng của Minuteman III trong quân đội Mỹ hiện nay.
"Công nghệ phải được phát triển không ngừng. Đây là công nghệ rất phức tạp", ông Borzenko nói đồng thời nhấn mạnh:
"Nhiều nhiệm vụ liên quan đến nhiều hướng song song khác nhau trong quá trình sản xuất những tên lửa, hệ thống dẫn đường của chúng, gắn với vệ tinh, thiết bị điều khiển chuyến bay của tên lửa và rất nhiều thứ phụ trợ".
Khi được hỏi liệu Nga có nên lo ngại về các vụ phóng tên lửa Minuteman hay không, học giả Borzenko cho biết câu trả lời là có, ít nhất ở một mức độ nào đó, vì điều đó có nghĩa là người Mỹ đã quay trở lại lĩnh vực mà họ đã không mày mò trong một thời gian dài và bắt đầu hiện đại hóa kho vũ khí của họ.
Ông Borzenko nhấn mạnh: "Ở giai đoạn hiện tại, ngành tên lửa chiến lược của Mỹ đang tụt hậu so với Nga, bởi vì chúng tôi đã làm việc trong lĩnh vực này trong một thời gian dài và chưa có thất bại nào, với tất cả các vụ phóng mới nhất cho thấy tên lửa của chúng tôi hoạt động hoàn hảo".
"Có thể một trong hai vụ phóng hồi đầu tháng 6 đã có nhiều phương tiện quay trở lại mục tiêu độc lập. Nghĩa là, như bạn biết, Minuteman thường mang theo một đầu đạn - nó thường có một nhưng có thể mang ba đầu đạn.
Và nếu nhận định là chính xác, đây có thể là tín hiệu cho Trung Quốc và Nga rằng Mỹ có thể tăng số lượng đầu đạn được triển khai bằng cách bổ sung thêm trọng tải cho tên lửa chiến lược", ông lưu ý.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/my-dang-lam-gi-voi-kho-vu-khi-hat-nhan-post688555.html