Mỹ đang phải đối mặt nguy cơ chảy máu chất xám

Trước các chính sách của Tổng thống Trump đối với lĩnh vực giáo dục, khoa học, nghiên cứu, ngày càng có nhiều nhà khoa học, trí thức nước này bắt đầu tìm kiếm cơ hội làm việc, phát triển ở nước ngoài.

Các nhà kinh tế học người Mỹ nhận Giải Nobel 2024 (Ảnh: AA/TTXVN)

Các nhà kinh tế học người Mỹ nhận Giải Nobel 2024 (Ảnh: AA/TTXVN)

Tại các trường đại học và phòng thí nghiệm hàng đầu của nước Mỹ, một câu hỏi đang ngày một rõ ràng hơn: Đã đến lúc rời bỏ nước Mỹ hay chưa?

Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump ngày càng can thiệp sâu vào lĩnh vực giáo dục, khoa học và nghiên cứu, tâm trạng lo lắng ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ trong giới trí thức, những người từng xem nước Mỹ là trung tâm tri thức toàn cầu, và ngày càng có nhiều nhà khoa học bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

Cuộc tranh luận vốn chỉ âm thầm trong các hội nghị học thuật giờ đây đã bùng lên dữ dội sau tuyên bố chấn động của Giáo sư Jason Stanley, một học giả hàng đầu về chủ nghĩa phát xít tại Đại học Yale.

Giáo sư Jason tuyên bố sẽ rời bỏ nước Mỹ để nhận một vị trí mới tại Canada do quá thất vọng trước những chính sách mà chính quyền Tổng thống Trump đang theo đuổi. Ông đưa ra quyết định trên sau khi Đại học Columbia - một trong những biểu tượng học thuật của nước Mỹ - bị Nhà Trắng đe dọa cắt giảm tài trợ.

Ngoài ông Stanley, hàng nghìn nhà nghiên cứu và học giả khác cũng đang nghiêm túc xem xét kế hoạch rời khỏi nước Mỹ, nơi từng được xem là thiên đường của tự do học thuật và sáng tạo khoa học.

Theo một khảo sát do tạp chí danh tiếng Nature công bố cuối tháng 3 vừa qua, hơn 75% số nhà khoa học được hỏi thừa nhận rằng họ đang cân nhắc việc rời khỏi nước Mỹ. Đáng chú ý, xu hướng này đặc biệt rõ rệt ở nhóm nhà khoa học trẻ đang trong giai đoạn đầu phát triển sự nghiệp.

Trong bối cảnh bất ổn, nhiều trường đại học danh tiếng tại Mỹ đã bắt đầu áp dụng chính sách đóng băng tuyển dụng và cắt giảm mạnh số lượng nghiên cứu sinh, vốn những mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái đào tạo khoa học.

Giáo sư Karen Sfanos thuộc Đại học Johns Hopkins bày tỏ sự bất an: “Không ai biết điều gì sẽ xảy ra với nguồn tài trợ. Mọi thứ thay đổi từng ngày.” Theo bà, thế hệ trẻ đang bị tổn thương nghiêm trọng khi vừa bước vào con đường khoa học đã đối mặt những rào cản bất ổn.

Một ví dụ là cô Daniella Fodera - nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia - chuyên nghiên cứu về u xơ tử cung, một căn bệnh lành tính nhưng phổ biến ở phụ nữ. Sau khi bị chính phủ hủy tài trợ, Fodera buộc phải tìm kiếm cơ hội đào tạo sau tiến sỹ tại châu Âu hoặc một nước khác. Fodera chia sẻ: “Mọi người đều hoang mang. Cả hệ thống học thuật đang bị phá vỡ.”

Cảm nhận được cơ hội giữa cơn khủng hoảng tại Mỹ, các trường đại học châu Âu và Canada đã nhanh chóng triển khai sáng kiến thu hút nhân tài và thực tế, họ không cần phải quá vất vả.

Bác sỹ Gwen Nichols - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư máu - cho biết: “Nhiều đồng nghiệp của tôi - những người có hai quốc tịch hoặc gia đình ở Canada, Pháp, Đức - đều đang tính chuyện chuyển sang quốc gia còn lại nơi họ có quốc tịch để làm việc trong vài năm.”

Bà cảnh báo, nếu xu hướng này tiếp tục, nước Mỹ sẽ phải trả giá đắt: “Trong vòng 10 năm nữa, khi cần những đột phá công nghệ y sinh, chúng ta có thể sẽ không còn khả năng để tạo ra nữa.”
JP Flores - một nghiên cứu sinh ngành di truyền học tại Đại học North Carolina - cũng không giấu nổi sự lo lắng: “Rõ ràng là một cuộc chảy máu chất xám quy mô lớn đang diễn ra.”

Nhưng không phải ai cũng may mắn được chào đón ở những chân trời mới. Một nhà nghiên cứu khí hậu trẻ tuổi (giấu tên) cho biết cô đang cố gắng xin quốc tịch châu Âu để rời khỏi Mỹ.

Cô chia sẻ: “Các đồng nghiệp châu Âu rất cảm thông. Tuy nhiên, với những người không có điều kiện tài chính hoặc hộ chiếu thứ hai, rất khó để tìm được cơ hội tại các viện nghiên cứu quốc tế. Với họ, con đường duy nhất có thể là rời bỏ khoa học."

Theo JP Flores, “đây là tổn thất thế hệ cho toàn bộ giới khoa học, không chỉ riêng nước Mỹ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/my-dang-phai-doi-mat-nguy-co-chay-mau-chat-xam-post1026431.vnp