Mỹ đang thua xa Trung Quốc về tốc độ hiện đại hóa hạm đội
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược ở Washington mới đây đã có bài phân tích về khả năng của Hải quân Trung Quốc (PLAN).
Các chuyên gia nhận xét, nếu Trung Quốc tiếp tục mở rộng hải quân với tốc độ hiện tại và Mỹ không đưa ngành đóng tàu của nước này vào trạng thái phù hợp, Bắc Kinh sẽ có cơ hội cao hơn nhiều để giành chiến thắng nếu có một cuộc xung đột thực sự.
Ước tính đến năm 2027, Bắc Kinh sẽ có nhiều tên lửa trên tàu chiến hơn so với Mỹ. Điều này nghĩa là PLAN sẽ phóng được nhiều tên lửa hơn, cho phép họ tấn công tàu và căn cứ trên bộ, cũng như phòng thủ trước tên lửa và máy bay đối phương.
Hiện tại 73 tàu khu trục đang phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ (USN) cho phép họ thực hiện quyền kiểm soát các vùng biển và đại dương hiệu quả hơn nhiều so với 42 chiến hạm cùng loại của đối thủ.
Mặc dù vậy Trung Quốc đang thu hẹp đáng kể khoảng cách, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi số lượng tàu khu trục từ 20 chiếc năm 2003 lên 42 chiếc vào năm 2023, chưa kể hàng chục khinh hạm khác có sức mạnh cũng rất đáng gờm.
PLAN có 23 tàu khu trục được hạ thủy trong 10 năm qua, so với 11 chiếc mà Mỹ đưa vào hoạt động trong cùng thời kỳ. Trung Quốc còn hạ thủy 8 tàu tuần dương kể từ năm 2017, trong khi Mỹ chưa làm được chiếc nào.
Các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc có thể giúp thu hẹp khoảng cách về lợi thế số lượng với Trung Quốc. Tuy nhiên ở đây vấn đề gắn kết giữa các đồng minh lại là câu hỏi cần lời giải đáp.
Lợi thế của Trung Quốc còn được phản ánh ở độ tuổi trung bình của các tàu chiến đang hoạt động. Khoảng 70% số chiến hạm của PLAN được hạ thủy kể từ năm 2010, trong khi Mỹ chỉ có khoảng 25%.
Đúng là tàu chiến Mỹ có thể vượt trội về mặt công nghệ so với Trung Quốc, nhưng cộng đồng tình báo tin rằng khoảng cách cũng đang được thu hẹp một cách nhanh chóng.
Một đánh giá của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ lưu ý rằng Trung Quốc có “hàng chục” nhà máy đóng tàu quy mô lớn hơn và năng suất cao hơn nhiều so với Mỹ.
Bên cạnh đó, báo cáo tương tự cho thấy Trung Quốc có công suất đóng tàu cao gấp 230 lần so với Mỹ. Đồng thời bản kế hoạch dài hạn do Bắc Kinh đưa ra cho thấy họ chưa thỏa mãn và sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa trong tương lai.
Đóng tàu chiến không phải là cách duy nhất để mang lại ưu thế trên biển. Các hệ thống vũ khí mặt đất, máy bay và tên lửa - như tài liệu lưu ý, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc chiến nào nếu có giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Sự suy giảm ưu thế của Hải quân Mỹ không dễ dàng đảo ngược. Quá trình này đã kéo dài qua nhiều thập kỷ và dựa trên cán cân tiềm lực kinh tế cũng như công nghiệp đang thay đổi.
Nhưng hiện tại, Washington vẫn có thể duy trì lợi thế của mình bằng cách dựa vào các tàu nhỏ ứng dụng công nghệ cao và phương tiện tác chiến không người lái.
Theo Reporter