Mỹ đánh mất bí mật quân sự số 2 vào tay tình báo Đức

Cốt truyện của các câu chuyện tình báo rất khó đoán trước. Đặc biệt khi chúng không phải là sản phẩm trí tưởng tượng của các nhà văn trinh thám, mà là những sự kiện có thật trong cuộc đời. Bài viết sau đây kể về việc nước Mỹ đánh mất bí mật quân sự quan trọng thứ hai (sau Dự án hạt nhân Manhattan) trong Thế chiến II như thế nào.

Máy ngắm ném bom Norden

Trong Thế chiến I, khi những chiếc máy bay ném bom đầu tiên xuất hiện, phi công thả bom “bằng mắt thường”, không tính đến bất kỳ thông số nào. Nhưng vì những vụ ném bom đầu tiên chủ yếu diễn ra ở độ cao thấp, nên về nguyên tắc, bom rơi đúng mục tiêu. Hơn nữa, lúc bấy giờ, hiệu quả không quan trọng bằng tác động tâm lý của việc ném bom.

Tuy nhiên, các lực lượng quân đội đã nhanh chóng vượt qua cú sốc, và những khẩu súng phòng không đầu tiên đã ra đời. Các máy bay ném bom phải bay lên những độ cao mà hỏa lực phòng không không còn hiệu quả. Nhưng ở độ cao lớn, việc thả bom “bằng mắt” chắc chắn sẽ không trúng mục tiêu.

Nguyên mẫu của máy ngắm Norden..

Nguyên mẫu của máy ngắm Norden..

Vì thế, cần một máy ngắm có thể nhận thông tin về điều kiện chuyến bay và ném bom. Thông tin này bao gồm tốc độ và độ cao của máy bay, tốc độ và hướng gió tại địa điểm thả bom, tình trạng khí quyển và nhiều yếu tố khác. Những máy ngắm đầu tiên rất khó sử dụng trong thực tế chiến đấu, vì các chỉ số thay đổi liên tục.

Kỹ sư Hà Lan Carl Norden từng học tại Thụy Sĩ và di cư sang Mỹ năm 1904. Từ năm 1911, ông tham gia chế tạo la bàn con quay cho tàu chiến. Cuối Thế chiến I, Mỹ đã phát triển máy ngắm ném bom hành trình - CSBS. Nhược điểm chính của CSBS là trong quá trình ném bom, nó phải nhìn thẳng xuống dưới, khiến máy bay chao đảo cả theo chiều ngang và chiều dọc.

Quân đội đã từ chối sử dụng máy ngắm này, vì vậy nó không được đưa vào sản xuất hàng loạt. Cần một máy ngắm có bộ ổn định con quay hồi chuyển. Carl Norden đã đảm nhận giải quyết nhiệm vụ này.

Máy ngắm ném bom đầu tiên được hoàn thành vào năm 1923, và bắt đầu sản xuất hàng loạt năm 1927. Thực chất, Norden đã kết hợp một con quay hồi chuyển với các thông tin thu thập từ các cảm biến máy bay, những thông tin này được kết nối và xử lý trong một máy tính cơ học analog. Khi hệ thống lái tự động đầu tiên xuất hiện trên các máy bay Mỹ, chúng cũng được kết nối với máy ngắm ném bom.

Kết quả là máy ngắm ném bom trở thành một thiết bị phức tạp, gồm gần 2.000 chi tiết nhỏ. Trong điều kiện thử nghiệm, kết quả đạt được rất tốt. Các phi công ném bom được huấn luyện kỹ lưỡng, từ độ cao 6 km, có thể ném trúng mục tiêu có kích thước bằng thùng dầu.

Thật ngạc nhiên, các tướng lĩnh và đô đốc Mỹ tỏ ra rất quan tâm đến máy ngắm ném bom. Họ đã dành ra 1,1 tỷ USD cho việc phát triển thiết bị này! Về mức độ bảo mật quốc gia, máy ngắm ném bom Norden đứng thứ hai sau dự án phát triển vũ khí hạt nhân Manhattan.

Nhưng nước Mỹ trong nửa đầu thế kỷ XX quả thực là một quốc gia kỳ lạ. Có lẽ, vì vào thời điểm đó, Mỹ chưa thực sự bị ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh tàn khốc. Trong lực lượng hàng không của Hải quân và Không quân, máy ngắm ném bom Norden được bảo mật hết sức cẩn thận. Người ta cấm chụp ảnh thiết bị này.

Kỹ sư Carl Norden.

Kỹ sư Carl Norden.

Vương quốc Anh cũng phải đối mặt với những nhiệm vụ tương tự, nhưng người Anh không đạt được những kết quả như Norden đạt được. Khó khăn chính của máy ngắm ném bom do Anh chế tạo là khả năng ổn định của nó. Khi Thế chiến II bắt đầu, Không quân Hoàng gia và Không quân Hải quân Anh đã gặp phải khó khăn này.

Nước Anh biết sơ qua về máy ngắm ném bom Norden, và ngay từ năm 1938, qua tùy viên quân sự của mình tại Washington, Anh đã đề nghị hỗ trợ kỹ thuật để cải tiến máy ngắm ném bom của mình. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị từ chối. Nỗ lực thứ hai cũng không thành công. Người Anh tiếp tục liên hệ với Không quân Mỹ, nhưng nhận được phản hồi rằng máy ngắm này thuộc quyền sở hữu của Hải quân Mỹ. Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã ra lệnh chính thức cấm chia sẻ thông tin loại này với các nước ngoài.

Một năm sau, tùy viên quân sự Anh được mời tham gia một cuộc diễn tập trình diễn. Trên mặt đất, người ta vẽ hình một thiết giáp hạm. Các vị khách vô cùng bất ngờ khi chứng kiến những quả bom bắt đầu nổ ngay trên hình vẽ đó. Chỉ lúc bấy giờ, họ mới phát hiện ra những chiếc “Pháo đài bay” B-17 đang bay ở độ cao khoảng 4 km trên bầu trời. Kết quả của cuộc trình diễn này là việc Thủ tướng Anh viết thư riêng cho Tổng thống Mỹ.

Nhưng kết quả vẫn không khả quan. Thứ duy nhất mà người Anh nhận được là bản vẽ kích thước tổng thể và vị trí lắp đặt máy ngắm ném bom. Đề phòng trường hợp có thể được cung cấp (mặc dù điều này đã không xảy ra), các máy bay ném bom Anh đã được khoan sẵn các lỗ để gắn máy ngắm Norden. Từ đó, người Anh không bao giờ nhắc lại vấn đề này nữa.

Huyền thoại của tình báo Đức

Ông được biết đến với nhiều cái tên như Frederik “Fritz”, Joubert Duquesne, “Báo đen”, DUNN, “Hầu tước”… Tổng cộng, ông có khoảng 30 bí danh. Tên thật của ông là Fritz Joubert Duquesne. Ông sinh ngày 21/9/1877 tại thành phố East London, Cape Colony, nay là Nam Phi. Duquesne là hậu duệ của người Boer gốc Hà Lan. Ông bắt đầu chiến đấu chống người Anh trong cuộc Chiến tranh Anh - Boer lần thứ hai. Trong suốt cuộc đời dài và đầy biến động, ông từng là binh sĩ của quân đội Boer, thợ săn thú, nhà báo và điệp viên của tình báo Đức.

Đại tá Nikolaus Ritter.

Đại tá Nikolaus Ritter.

Duquesne từng hợp tác với Abwehr - Cơ quan Tình báo quân sự của Đức dưới thời Hoàng đế Wilhelm. Sau khi Thế chiến I kết thúc, ông chuyển sang Hoa Kỳ để xây dựng một mạng lưới điệp viên mới của Đức. Lúc đó, ông đã mang hàm đại tá quân đội Đức Quốc xã.

Nói trước một chút, chính ông là người đã thành lập mạng lưới tình báo Đức tại Mỹ mà lực lượng phản gián Mỹ gọi là “Đường dây gián điệp Duquesne”. Mạng lưới này gồm ít nhất 33 người (đây là số lượng bị FBI bắt giữ). Các điệp viên của Duquesne hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả phá hoại lẫn thu thập thông tin.

Ví dụ, một điệp viên mở nhà hàng và thu thập thông tin từ các thực khách; điệp viên khác làm việc trong một hãng hàng không; người thứ ba thì cung cấp thông tin về các tàu đồng minh vượt Đại Tây Dương... Ngày 2/1/1942, các thành viên của nhóm này đã bị tuyên án tổng cộng hơn 300 năm tù. Duquesne bị kết án 18 năm tù, nhưng đến năm 1954, sau khi đã ngồi tù 14 năm, ông được trả tự do vì sức khỏe yếu. Năm 1956, ông qua đời, hưởng thọ 78 tuổi.

Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự Đức Quốc xã (Abwehr), Đô đốc Canaris, vốn quen biết Duquesne từ thời Thế chiến I, nên đã giao nhiệm vụ cho Đại tá Nikolaus Ritter - Trưởng phòng tác chiến của Abwehr phụ trách khu vực Hoa Kỳ - thiết lập liên lạc với Duquesne. Ritter cũng đã quen Duquesne từ năm 1931, vì vậy việc kết nối được tiến hành nhanh chóng.

Thông tin giữa hai sĩ quan tình báo được truyền đạt qua một tiếp viên làm việc trên tàu biển xuyên Đại Tây Dương của Đức "Bremen", thuộc sở hữu của công ty "Norddeutscher Lloyd". Điều này rất thuận tiện vì văn phòng Abwehr phụ trách khu vực Hoa Kỳ đặt tại Hamburg.

Mùa hè năm 1937, trong một lần gặp mặt, người đưa tin đã trao cho Ritter một số bản sao các bản vẽ kỹ thuật. Anh ta cho biết đó là những tài liệu liên quan đến không quân. Người đưa tin cũng nói rằng Duquesne đã thiết lập liên lạc với một người đang làm việc tại một nhà máy quốc phòng, mật danh là "Paul".

Ritter hỏi: “Duquesne đã trả bao nhiêu tiền cho những bản vẽ này?” - “Không trả gì cả”, - người đưa tin đáp. Sau đó, Ritter đã gửi những bản vẽ này đến Bộ chỉ huy Không quân Đức và nhận được phản hồi rằng: các bản vẽ này không có giá trị gì. Trong thâm tâm, vị đại tá Abwehr không đồng tình với nhận định đó.

Kinh nghiệm của một nhà tình báo mách bảo: nếu một điệp viên làm việc vì lý tưởng thì thông tin anh ta cung cấp thường rất giá trị. Ba tuần sau, người đưa tin lại mang đến một số bản sao khác. Linh cảm rằng chúng chứa đựng thông tin giá trị, Ritter lập tức báo cáo với Đô đốc Canaris và trình bày những nhận định của mình về vấn đề này. Canaris đồng ý và lập tức liên lạc với Tướng Udet - một trong những cộng sự thân cận của Hermann Goring. Udet hứa sẽ phản hồi trong vòng một tuần.

Nhưng ngay sáng hôm sau, Canaris đã gọi điện cho Ritter: “Anh lấy thông tin này ở đâu vậy? Anh có biết đây là cái gì không?”. Đô đốc giải thích với Ritter rằng những bản sao đó chính là bản vẽ của máy ngắm ném bom Norden - một thiết bị cực kỳ bí mật được lắp đặt trên các “pháo đài bay” của Mỹ.

Tuy nhiên, bộ bản vẽ vẫn chưa đầy đủ. Ritter quyết định đích thân sang Hoa Kỳ để gặp “Paul”. Ông từng sống lâu năm ở Mỹ và nói thông thạo tiếng Anh. Canaris đã đồng ý.

Điệp viên Fritz Joubert Duquesne.

Điệp viên Fritz Joubert Duquesne.

Hermann Lange

Cuối tháng 10/1937, Ritter đến New York trên con tàu xuyên đại dương của Đức. Tại Brooklyn, ông đã gặp Duquesne, người sắp xếp cuộc gặp với "Paul". "Paul" tên thật là Hermann Lange, một kỹ sư 35 tuổi người Đức, làm việc tại Incorporated - công ty sản xuất máy ngắm ném bom Norden cho Không quân và Hải quân Hoa Kỳ.

Hóa ra, Carl Norden rất trân trọng các kỹ sư và nhà thiết kế Đức, vì vậy công ty của ông đã tuyển dụng hàng chục người Đức vào làm việc. Lange nói rằng ông không thể sao chép tất cả các bản vẽ vì một số linh kiện được thiết kế ở những nơi khác.

Ông hy vọng người Đức có thể bổ sung những thiếu hụt đó. Ritter vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra tại nhà máy của Norden, việc bảo mật sản xuất hầu như không được tuân thủ. Nhân viên công ty hoàn toàn thoải mái mang bản vẽ về nhà sao chép, và sáng hôm sau mang lại trả lại vị trí cũ.

Đến đầu năm 1938, Nikolaus Ritter đã mang về Đức một bộ bản vẽ gần như đầy đủ. Điều này cho phép các nhà thiết kế Đức bắt đầu chế tạo máy ngắm ném bom Norden.

Năm 1941, FBI cuối cùng đã phát hiện và triệt phá "Đường dây gián điệp Duquesne". Ngày 30/7/1941, Hermann Lange bị bắt và bị tuyên án 14 năm tù. Năm 1960, ông được ân xá. Kính ngắm ném bom Norden được sử dụng trong không quân Mỹ cho đến cuộc chiến tranh Việt Nam, mặc dù lệnh bảo mật đã được gỡ bỏ vào năm 1948.

Trần Đình

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/my-danh-mat-bi-mat-quan-su-so-2-vao-tay-tinh-bao-duc-i775756/