Mỹ đạt đột phá về năng lượng hạt nhân

Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một bước đột phá trong nghiên cứu về năng lượng nhiệt hạch. Lần đầu tiên, người ta tạo ra được nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ trong phản ứng nhiệt hạch, qua đó mở ra triển vọng khai thác được nguồn năng lượng gần như vô hạn và không phát thải carbon.

Nhóm khoa học tại phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore đã đặt một lượng nhỏ hydro vào một viên nang, sau đó dùng tia laser cực mạnh để đốt nóng. Viên nang được làm nóng tới 100 triệu độ C - nóng hơn cả tâm Mặt Trời và nén nó xuống hơn 100 tỉ lần so với bầu khí quyển của Trái Đất. Dưới những lực này, viên nang bắt đầu tự nổ tung, buộc các nguyên tử hydro hợp nhất và giải phóng năng lượng. Các nhà khoa học sử dụng 2,05 Megajoules năng lượng, trong khi tạo ra 3,15 Megajoules từ phản ứng nhiệt hạch.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đã nỗ lực tái tạo phản ứng tổng hợp hạt nhân - tái tạo phản ứng cung cấp năng lượng cho Mặt trời. Phản ứng tổng hợp hạt nhân xảy ra khi hai hay nhiều nguyên tử được hợp nhất thành một nguyên tử lớn hơn. Đây là một quá trình tạo ra một năng lượng khổng lồ dưới dạng nhiệt. Không giống như phản ứng phân hạch hạt nhân vốn được ứng dụng trong các nhà máy diện hạt nhân hiện nay trên toàn thế giới, phản ứng tổng hợp hạt nhân không tạo ra chất thải phóng xạ tồn tại lâu dài. Và quan trọng, quá trình này không tạo ra khí thải nhà kính và do đó không góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/my-dat-dot-pha-ve-nang-luong-hat-nhan-1