Mỹ đạt thỏa thuận thương mại mới với Mexico, Canada
Sau hơn 13 tháng đàm phán căng thẳng, Mỹ, Canada và Mexico cuối cùng đã vượt qua được những điểm nghẽn chính như việc tiếp cận thị trường sữa của Canada, mức lương tối thiểu trong lĩnh vực sản xuất xe hơi để đạt được thỏa thuận thay thế Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
“Thành tựu lịch sử”
Tổng thống Mỹ lâu nay luôn chê NAFTA là “thương vụ tồi tệ chưa từng thấy” và thúc đẩy việc sửa đổi thỏa thuận này. Cuối cùng, sau hơn 13 tháng đàm phán căng thẳng, vào cuối ngày 30/9 vừa qua, các nhà đàm phán Mỹ, Canada và Mexico đã đạt được Thỏa thuận Mỹ - Mexico – Canada (USMCA) để thay thế NAFTA trị giá hơn 1,2 nghìn tỉ USD kim thương mại giữa 3 nước. Một ngày sau đó, ông Trump đã có bài phát biểu về “thành tựu lịch sử” mà các nước đã đạt được.
“Tôi rất vinh dự thông báo rằng chúng tôi đã hoàn tất thành công các cuộc đàm phán về một thỏa thuận mới để chấm dứt và thay thế NAFTA. Thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada mới được gọi là USMCA. Một thỏa thuận hiệu quả”, Tổng thống Mỹ nói.
Trong phát biểu, ông Trump gọi USMCA “là thỏa thuận thương mại quan trọng nhất từ trước đến nay”. Theo ông Trump, thỏa thuận này sẽ chấm dứt và thay thế NAFTA, “biến Bắc Mỹ trở lại là khu vực sản xuất hùng mạnh”. “Từ khi vận động tranh cử, tôi đã hứa sẽ tái đàm phán NAFTA và hôm nay, chúng tôi giữ lời hứa đó,” ông Trump nói. Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố ông sẽ ký thỏa thuận mới vào tháng 11 tới. Việc đạt được thỏa thuận mới thay thế NAFTA được đánh giá là thành tựu thương mại lớn nhất mà ông Trump đạt được kể từ khi nhậm chức cho đến nay.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, thỏa thuận mới sẽ không có hiệu lực ngay lập tức mà hầu hết những điều khoản chính của thỏa thuận sẽ phải đến khoảng năm 2020 mới bắt đầu có hiệu lực do vấn đề thủ tục ở các nước. Theo quy định, sau khi các nhà đàm phán của 3 nước đạt được nhất trí, thỏa thuận sẽ được lãnh đạo các bên ký. Tiếp sau đó, thỏa thuận sẽ cần phải được Quốc hội mỗi bên phê chuẩn. Trong khi đó, tại Mỹ, việc Quốc hội nước này sẽ phê chuẩn thỏa thuận còn là điều chưa chắc chắn, đặc biệt là trong trường hợp Đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới.
Những điểm mới đáng chú ý
Theo Washington Post, trong thỏa thuận mới đã đạt được, ông Trump đã buộc Canada và Mexico nhượng bộ nhiều điểm nhưng bản thân Mỹ cũng đã rút một số đòi hỏi nghiêm ngặt. Trong số những điểm chính của thỏa thuận mới đạt được có việc Canada đồng ý mở thị trường sữa cho nông dân Mỹ. Trước nay, Chính phủ Canada hạn chế số lượng sản phẩm bơ sữa sản xuất trong nước và sản phẩm từ bên ngoài vào thị trường để giữ giá sữa cao. Ông Trump không thích điểm này và đây chính là một trong những điểm bế tắc trong quá trình đàm phán. Theo thỏa thuận mới, Canada đồng ý giữ nguyên phần lớn hệ thống các quy định đối với ngành sữa của nước này nhưng mở cửa thị trường để Mỹ có thể tiếp cận và giành được thị phần lớn hơn trong ngành sữa Canada.
Với Canada, chiến thắng của nước này trong việc đàm phán USMCA là việc giữ được nguyên Chương 19 trong thỏa thuận cũ, tức giữ nguyên được quy định về cơ chế chính trong việc giải quyết tranh chấp thuế nhằm chống lại các khoản thuế chống bán phá giá của Mỹ. Chương 19 của thỏa thuận cũ cho phép Canada, Mexico và Mỹ kiện lẫn nhau ra một hội đồng gồm đại diện từ mỗi nước về hành vi chống phá giá và chống thuế trợ cấp.
Trong nhiều năm qua, Canada đã sử dụng thành công Chương 19 để thách thức những hạn chế gỗ mềm do Mỹ áp đặt. Trước đó, thỏa thuận mà Canada và Mexico đã đạt được cũng đã nhất trí về việc giữ lại Chương này. Việc 2 nước muốn giữ nguyên Chương về cơ chế giải quyết tranh chấp có mục đích xa hơn là để đảm bảo rằng ông Trump sẽ không đánh thuế xe hơi của họ. Với việc giữ nguyên được Chương 19, chính phủ Mỹ sẽ ký những thỏa thuận phụ cho phép Canada và Mexico tránh được thuế xe hơi của ông Trump. Ngoài ra, Canada cũng muốn Mỹ ngưng đánh thuế 25% đối với mặt hàng thép của nước này nhưng 2 bên vẫn đang thương lượng.
Một điểm đáng chú ý khác trong thỏa thuận mới mà Mỹ và Canada, Mexico đã đạt được là những thay đổi lớn trong các quy định về quản lý việc sản xuất xe hơi. Để hướng tới mục tiêu có nhiều xe và phụ tùng xe tải được sản xuất ở Bắc Mỹ hơn, bắt đầu từ năm 2020, để được hưởng mức thuế suất 0%, xe hoặc xe tải phải có 75% phụ tùng được sản xuất tại Canada, Mexico hay Mỹ; tăng đáng kể so với tỉ lệ 62,5% hiện tại. Ngoài ra, từ đầu năm 2020, 30% công việc lắp ráp một chiếc xe hơi hay xe tải phải do các công nhân hưởng lương ít nhất 16 USD/giờ đảm nhiệm. Mức tỉ lệ này sẽ tăng lên 40% vào năm 2023. Theo các nhà kinh tế học, quy định này có thể giúp tăng số lao động Mỹ và Mexico làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi nhưng đồng thời cũng có thể đẩy giá xe tăng lên do chi phí nhân công tăng.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng thỏa thuận mới đạt được không phải là một sự thay đổi toàn diện. “Tôi không đánh giá thỏa thuận mới này là một sự thay đổi sâu rộng. Tôi xem đó như là một thỏa thuận được cập nhật. Thỏa thuận cũ đã có hơn 20 năm nên rõ ràng nó cần phải cập nhật”, ông Joshua Meltzer ở Viện nghiên cứu Brookings nhận xét. Theo ông Meltzer, cuộc đàm phán về thỏa thuận mới đạt được thành công một phần vì nhiều quy định trong đó vốn đã đạt được trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Một số thay đổi trong các lĩnh vực như tài sản sở hữu trí tuệ và nền kinh tế số, trong đó có việc bảo vệ bằng sáng chế và tên miền đều thực sự cần thiết vì những quy định đã có trong NAFTA từ 25 năm trước đều cần sửa đổi để thích ứng với thời đại số. “Chúng tôi đã xây dựng các quy định dựa trên những điểm đã được thống nhất trong TPP”, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer thừa nhận. Song, ông Lighthizer khẳng định thỏa thuận mới USMCA tốt hơn so với TPP, đem lại lợi ích cho Mỹ.
Mỹ sẽ tập trung vào Trung Quốc?
Theo New York Times, thỏa thuận mà Mỹ vừa đạt được với Mexico và Canada còn quan trọng ở chỗ nó cho thấy ông Trump đang giải quyết một cách có phương pháp cuộc chiến thương mại đa phương để tập trung vào xử lý đối thủ duy nhất: Trung Quốc. Tờ báo trên cho biết, Nhà Trắng đang thực hiện nhiều bước đi để dàn xếp những tranh chấp thương mại do ông Trump phát động. Hồi tuần trước, ông Trump đã ký thỏa thuận thương mại sửa đổi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã nhất trí bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận thương mại sau nhiều tháng phản đối từ Tokyo.
“Họ thấy rằng không thể chiến thắng tất cả các cuộc chiến đó nên họ dàn xếp đa số những tranh chấp và tập trung vào Trung Quốc”, ông Gary Clyde Hufbauer – một chuyên gia về thương mại tại Viện kinh tế quốc tế Peterson nhận định. Đến nay, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có kế hoạch tiến hành các cuộc đàm phán thương mại dù theo Cố vấn kinh tế của tổng thống Mỹ Larry Kudlow, ông Trump có thể sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Argentina vào cuối tháng 10.
Reuters cũng cho rằng thỏa thuận đạt được với Mexico và Canada đã khép lại một tranh cãi thương mại của Mỹ với các đối tác trong bối cảnh Chính phủ của ông Trump chuyển hướng sang một cuộc chiến lớn hơn nhiều với Trung Quốc. Hiện, Mỹ đã áp thuế với 250 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc và đe dọa sẽ áp thuế với 267 tỉ USD hàng hóa nữa, tức gần như toàn bộ hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào Mỹ.
Theo Reuters, trong USMCA có một điều khoản quy định nếu một trong 3 thành viên của NAFTA hiện nay tham gia vào một thỏa thuận tự do thương mại với một nước “phi thị trường, như Trung Quốc, những nước còn lại có thể tự rút khỏi thỏa thuận trong 6 tháng và hình thành hiệp ước song phương riêng của họ. Theo Reuters, điều khoản này gây tranh cãi ở Canada nhưng lại phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế đồng thời ngăn khả năng các công ty của Trung Quốc sử dụng Canada và Mexico làm “cửa sau” để đưa hàng miễn thuế vào Mỹ.
Theo điều khoản này, các thành viên USMCA phải thông báo cho các thành viên còn lại ít nhất 3 tháng trước khi tham gia đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc. Ông Derek Scissors - một học giả về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington - cho rằng điều khoản này cho phép chính quyền của ông Trump thực hiện quyền phủ quyết hiệu quả đối với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Trung Quốc của Mexico và Canada. Nếu tiếp tục được đưa vào các cuộc đàm phán giữa Mỹ với EU và Nhật Bản, điều khoản này sẽ thêm giúp cô lập Trung Quốc trên hệ thống thương mại toàn cầu.
“Với cả Mexico và Canada, chúng ta có lý do để nghĩ rằng một thỏa thuận thương mại tự do với phía Trung Quốc là có thể xảy ra. Do đó, đây là một cách để ngăn chặn. Không một thỏa thuận nào với Trung Quốc đáng để các quốc gia kia đánh đổi với một thỏa thuận USMCA đã được phê chuẩn”, ông Scissors nhận định. Bắc Kinh đã yêu cầu WTO công nhận nước này là một “nền kinh tế thị trường” kho thỏa thuận gia nhập WTO của nước này hết hạn vào tháng 12/2016.