Mỹ đẩy 'gánh nặng' cho Nhật Bản tại EAS
Tờ Sankei số ra ngày 4/11 nhận định, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ 'gánh' trọng trách hết sức nặng nề tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra tại Bangkok (Thái Lan).
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Japan Times)
Bài viết đặt vấn đề liệu với việc nêu cao chủ nghĩa dân chủ, tự do và can dự vào châu Á, Mỹ có thực sự đang phản đối chủ nghĩa bá quyền và sự đe dọa của Trung Quốc tại khu vực này hay không?
Nội dung này đang được đặt dấu hỏi khi Mỹ đã quyết định hoãn chuyến đi của Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Thái Lan tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á và các hoạt động ngoại giao liên quan. Thay vào đó, Washington chỉ cử Cố vấn an ninh quốc gia Robert C. O’Brien – người vừa mới được bổ nhiệm vào tháng Chín vừa qua, tham dự.
Hội nghị Cấp cao Đông Á là hội nghị có sự tham gia của nguyên thủ các nước ASEAN và các nước ngoài ASEAN có liên quan, trong đó bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản.
Nhật và Mỹ, hai nước đưa ra chủ trương “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở”, đang tăng cường liên kết với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sử dụng sức mạnh quân sự, kinh tế để gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ tại khu vực này. Tại những kỳ Hội nghị Cấp cao Đông Á trước đây, những tranh cãi mạnh mẽ giữa Nhật-Mỹ và Trung Quốc đã lan rộng.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần này, phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một trong các nội dung được quan tâm nhất. Hội nghị sẽ thúc giục Trung Quốc - nước đóng vai trò đứng sau hỗ trợ chính quyền Bình Nhưỡng, đưa ra một tuyên bố giá trị duy trì áp lực đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, do thiếu Mỹ, giới quan sát lo ngại, Trung Quốc sẽ có thể dễ dàng áp đặt quyền dẫn dắt những nội dung liên quan. “Do đó, trách nhiệm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị Cấp cao Đông Á sẽ rất nặng nề”, bài viết trên tờ Sankei bình luận.
Năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã có chuyến thăm Philippines lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức đúng khoảng thời gian Hội nghị Cấp cao ASEAN và những hội nghị liên quan diễn ra. Tuy nhiên, ông Trump đã không tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á và về nước ngay trước thềm hội nghị.
Năm 2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence được cử tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Singapore. Tại Hội nghị và các hoạt động ngoại giao, ông Pence đã bày tỏ rõ việc phản đối Trung Quốc và chỉ ra sự can dự liên tục của Mỹ vào khu vực này.
Gần đây nhất, Phó Tổng thống Mỹ cũng có bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần này, Mỹ chỉ cử Cố vấn an ninh quốc gia tham dự, được nhận định là điều khá đáng tiếc.
Theo tờ Sankei, chính quyền cựu Tổng thống Obama trước đây trong phát ngôn rất coi trọng vai trò của châu Á, song thật khó để nói rằng những phát ngôn này đã trở thành hiện thực. Kể từ năm 2011, việc tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á của Mỹ đã trở thành hoạt động ngoại giao thường niên và không thể thiếu.
Trong khoảng thời gian hơn một ngày diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan, hoạt động này phải kết nối được các nhà lãnh đạo, xây dựng niềm tin trong khu vực.
Việc thiếu vắng nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ, khiến vai trò của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên cạnh việc bảo đảm sự tin tưởng của các nước trong khu vực đối với quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, còn phải làm nổi bật các nội dung như bảo vệ quyền tự do hàng hải trước Trung Quốc.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-day-ganh-nang-cho-nhat-ban-tai-eas-103919.html