Mỹ đẩy mạnh bán vũ khí cho châu Á trước 'mối đe dọa' Trung Quốc
Nhận thức của nhiều nước châu Á về mối đe dọa 'đã được củng cố khi Trung Quốc thể hiện cách tiếp cận quyết đoán và hung hăng hơn tại khu vực', theo chuyên gia.
Sau khi ghi nhận doanh thu kỷ lục 32 tỷ USD từ việc bán khí tài và vũ khí trong tháng 7, chính quyền Trump hôm 20/8 cho biết sẵn sàng hỗ trợ hơn nữa các đồng minh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tăng cường năng lực quốc phòng các nước này.
Châu Á đầu tư mạnh về khí tài quân sự
"Tháng vừa qua là tháng có doanh thu từ giao dịch quốc phòng cao thứ hai trong lịch sử Bộ Ngoại giao Mỹ", Clarke Cooper, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề chính trị - quân sự của bộ này, cho biết, theo Nikkei Asian Review.
Phần lớn doanh thu đến từ việc Nhật Bản mua 105 máy bay tiêm kích F-35 trị giá 23,1 tỷ USD, ông cho biết.
Danh sách khí tài, vũ khí mà Mỹ bán ra trong năm 2020 cho thấy các lực lượng không quân và hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã đầu tư rất mạnh tay.
Danh sách này bao gồm 8 máy bay Osprey và các thiết bị liên quan cho Indonesia với giá 2 tỷ USD; gói nâng cấp tên lửa Patriot Advanced Capability-3, hay PAC-3, trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan; gói nâng cấp máy bay trinh sát Peace Krypton 250 triệu USD cho Hàn Quốc.
Ngoài ra, Philippines cũng mua các trực thăng tấn công AH-64E Apache và AH1-Z Viper cùng xuồng trinh sát, tấn công và hỗ trợ hạng nhẹ với chi phí ước tính khoảng 2 tỷ USD.
Ông Cooper nói Mỹ sẽ "tiến lên" cùng các đối tác và tiếp tục đảm bảo rằng Mỹ và các đối tác "có khả năng tương tác với nhau".
Việc này diễn ra vào thời điểm Washington bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông và tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực. Mỹ cũng tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các đối tác theo các kịch bản khác nhau trong đó yếu tố Trung Quốc được cân nhắc.
Tuy nhiên, khi Mỹ mở rộng mạng lưới bạn bè của mình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, những di sản khác đang cản trở.
"Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa chúng tôi với Ấn Độ đang mở rộng", ông Cooper nói về nước láng giềng và đối thủ của Trung Quốc.
Ấn Độ đứng giữa Nga và Mỹ
Ấn Độ là nước nhập khẩu khí tài, vũ khí lớn thứ hai thế giới trong 5 năm qua, theo xếp hạng của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Song dù đã mua ít hơn từ Moscow, New Delhi vẫn là khách hàng quốc phòng lớn nhất của Nga trong nhiều thập kỷ.
Ông Cooper hy vọng sẽ thay đổi điều này. Ấn Độ gần đây đã giao tranh với Trung Quốc tại khu vực biên giới tranh chấp thuộc dãy Himalaya, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trước lực lượng có quy mô lớn hơn của đối phương.
Ấn Độ và láng giềng Pakistan cũng đụng độ trong cuộc không chiến hiếm hoi vào năm 2019, khiến một trong những chiếc MiG 21 từ thời Liên Xô của Ấn Độ bị bắn hạ bởi chiếc F-16 của Pakistan do Mỹ cung cấp.
Những lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của New Delhi lộ ra và thúc đẩy họ xem lại liên minh quốc phòng, bao gồm cả việc mua thêm vũ khí từ Mỹ. Song dù Washington muốn có thêm giao dịch với New Delhi, họ vẫn vạch ra giới hạn cho việc mua sắm khí tài từ Moscow.
"Chúng tôi không có ý định làm tổn hại chủ quyền của Ấn Độ... và không muốn làm tổn hại bất kỳ giao dịch nào", ông Cooper nói.
"Chúng tôi hiểu rằng quan hệ quốc phòng với Nga để lại di sản và không giống như một công tắc đèn, nhưng việc mua S-400 [hệ thống phòng không] và SU-35 [máy bay chiến đấu] từ Nga là lằn ranh đỏ".
"Nếu Ấn Độ vượt qua (lằn ranh này), khả năng tương tác với khí tài của Mỹ sẽ bị tổn hại", ông cảnh báo.
Sameer Lalwani, thành viên cấp cao và là giám đốc chương trình Nam Á tại Trung tâm Stimson, nói rằng "chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang mua nhiều khí tài, vũ khí cao cấp hơn từ Mỹ".
Nhận thức về mối đe dọa của nhiều nước trong số này "đã được củng cố khi Trung Quốc thể hiện cách tiếp cận quyết đoán và hung hăng hơn trong toàn khu vực", ông nói.
"Ví dụ, Indonesia và Philippines gần đây đã đối đầu với các tàu cá hung hãn được hỗ trợ bởi các tàu hộ tống có vũ trang từ Trung Quốc".
"Những dàn khí tài tối tân này chắc chắn sẽ nâng cao khả năng của các quốc gia trong việc bảo vệ lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ và trong phạm vi các tuyên bố và hành động của Trung Quốc được coi là đe dọa đến lãnh thổ đó" thông qua việc xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế, chuyên gia Lalwani nói.
"Chúng được cho là đóng góp một cách gián tiếp vào tầm nhìn của Mỹ về 'tự do hàng hải và thương mại'", ông đánh giá.
Nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson cũng cho hay do vấn đề an ninh, khí tài quân sự tiên tiến của Nga và Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc liên kết với nhau.
"Những lựa chọn đó của Ấn Độ đối với khí tài của Nga chắc chắn sẽ tạo ra một số chuyện phức tạp, ở chỗ chúng có thể hạn chế một số loại khí tài, vũ khí tối tân mà Mỹ sẵn sàng và có thể bán cho Ấn Độ, cũng như đặt ra giới hạn nếu lực lượng và thiết bị của Mỹ và Ấn Độ hoạt động chung với nhau".