Mỹ đe dọa trừng phạt Trung Quốc, các nước châu Á khác lo lắng
Lời đe dọa trừng phạt Trung Quốc nếu hỗ trợ Nga của Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến các quốc gia châu Á khác lo lắng họ sẽ bị trừng phạt tương tự nếu duy trì thái độ trung lập đối với xung đột quân sự Nga - Ukraine.
Đông Nam Á chuẩn bị tổ chức 2 sự kiện quan trong vào cuối năm nay: Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Nhà lãnh đạo 3 nước Trung Quốc, Nga và Mỹ trong hoàn cảnh bình thường sẽ đến dự.
Mỹ đe dọa trừng phạt nếu Trung Quốc hỗ trợ Nga - Ảnh: Reuters
Hai quốc gia tổ chức sự kiện là Indonesia và Thái Lan bắt đầu lo lắng về việc bị mắc kẹt giữa căng thẳng của các nước lớn, mặc dù cách 2 sự kiện quan trọng còn đến vài tháng và vẫn chưa rõ Tổng thống Nga Vladimir Putin có góp mặt hay không.
Trang Bloomberg dẫn lời một nguồn tin tiết lộ Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã thấy quan ngại khi Tổng thống Biden đe dọa trừng phạt Trung Quốc. Jakarta nhìn nhận lập trường của Bắc Kinh với xung đột Nga - Ukraine là trung lập.
Indonesia dự định mời Nga đến dự Hội nghị G20, nhưng quốc gia Đông Nam Á này lại sợ Mỹ gia tăng sức ép nhằm buộc họ từ bỏ chính sách đối ngoại không chọn phe. Theo nguồn tin, Jakarta chỉ muốn giới hạn chương trình nghị sự ở sự kiện trong các lĩnh vực chính sách kinh tế, y tế toàn cầu cùng biến đổi khí hậu.
Báo The Nation cho biết Thái Lan cũng lo bị buộc phải chọn phe nếu Mỹ cùng phương Tây tẩy chay APEC vì có Nga tham dự. Trung tâm An ninh thuộc quân đội Thái lưu ý rằng Nga đã đưa 8 nước thành viên APEC vào danh sách đen và cảnh báo áp thêm trừng phạt nếu xung đột kéo dài.
Lo lắng của Indonesia cùng Thái Lan làm nổi bật một nguy cơ: xung đột Nga - Ukraine đẩy nhanh rạn nứt trong nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù Mỹ không nói rõ hành động cụ thể gì sẽ kích hoạt trừng phạt thứ cấp, việc Washington không ngần ngại ban hành hàng loạt biện pháp hạn chế thương mại với Trung Quốc vài năm gần đây là bài học mà các nền kinh tế có xuất khẩu phụ thuộc thị trường Mỹ cùng châu Âu cần nhìn vào.
Theo Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat: “Ngay cả trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, trật tự thế giới đa phương đã chịu sức ép đáng kể từ căng thẳng chiến lược giữa các cường quốc. Khủng hoảng hiện tại sẽ làm tăng rạn nứt, đe dọa đến pháp quyền quốc tế”.
Phía Bộ Ngoại giao Thái Lan tuyên bố công tác chuẩn bị cho APEC diễn ra vào tháng 11 vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu, đồng thời khẳng định họ không chịu áp lực phải loại bỏ bất cứ chủ đề nào khỏi chương trình nghị sự. Bộ Ngoại giao Indonesia không xác nhận thông tin về Ngoại trưởng Marsudi mà hãng tin Bloomberg đưa ra, nhưng bày tỏ lo ngại xung đột có thể làm chệch hướng trọng tâm và hợp tác G20 khỏi kinh tế - phát triển.
Điện đàm với Ngoại trưởng Marsudi tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích việc đơn phương sử dụng trừng phạt, kêu gọi Indonesia dùng tư cách chủ tịch G20 loại bỏ sự gián đoạn. Ông cũng kêu gọi Đông Nam Á nên ngăn chặn đối đầu giữa các khối, tránh để cho quốc gia vừa và nhỏ trở thành công cụ đối đầu giữa các cường quốc. Ngoại trưởng Marsudi chỉ nhận xét đây là một cuộc điện đàm tốt đẹp chứ không tuyên bố gì thêm.
Indonesia cho đến nay vẫn không trực tiếp lên tiếng chỉ trích Nga, mặc dù Tổng thống Joko Widodo từng kêu gọi ngừng chiến trên Twitter và nước này bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.
Theo nhà nghiên cứu Ian Storey thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore): “Các quốc gia Đông Nam Á không phải không có quyền tự quyết. Lập trường của họ đối với xung đột Nga - Ukraine sẽ dựa trên lợi ích quốc gia và tầm nhìn chính sách đối ngoại của chính họ. Sức ép chọn phe quá lớn từ Washington, Bắc Kinh hay Moscow có thể phản tác dụng”.