Mỹ đệ đơn khiếu nại Canada liên quan đến hạn ngạch bơ sữa
Vấn đề về hạn ngạch sữa là một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán USMCA sau khi năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump yêu cầu đàm phán lại NAFTA (được ký năm 1994).
Ngày 25/5, Mỹ đã đệ đơn khiếu nại phản đối những động thái của Canada với các sản phẩm bơ sữa theo Hiệp định Thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), phiên bản nâng cấp của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Trong một thông báo, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết sau khi các cuộc đàm phán không giải quyết được vấn đề trên, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã kêu gọi thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp theo USMCA.
Bà nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là thực thi đầy đủ USMCA và đảm bảo các lợi ích của người lao động Mỹ.
Việc thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận trên sẽ đảm bảo ngành sản xuất sữa và người lao động Mỹ có thể nắm bắt các cơ hội mới mà USMCA mang lại để tiếp thị và bán các sản phẩm của Mỹ cho người tiêu dùng Canada.
Dự kiến, ủy ban trên sẽ tiến hành các cuộc họp để tìm hiểu và xem xét vấn đề trên. Quyết định sơ bộ sẽ được công bố trong vòng 4 tháng theo các điều khoản giải quyết tranh chấp của hiệp định.
Canada đã bày tỏ thất vọng khi Mỹ kêu gọi thành lập ủy ban giải quyết tranh chấp.
Bộ trưởng Thương mại Canada Mary Ng cho biết theo USMCA, Canada đã nhất trí cung cấp một số quyền tiếp cận thị trường bổ sung cho Mỹ đối với sản phẩm sữa, trong khi vẫn bảo vệ thành công hệ thống quản lý cung ứng và ngành sản xuất sữa trong nước.
Canada khẳng định các chính sách của nước này “hoàn toàn tuân thủ các nghĩa vụ hạn ngạch thuế quan” theo USMCA và sẽ bảo vệ mạnh mẽ lập trường này trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Vấn đề về hạn ngạch sữa là một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán USMCA sau khi năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump yêu cầu đàm phán lại NAFTA (được ký năm 1994).
Hiệp định USMCA - phiên bản mới của NAFTA - được các nước tham gia NAFTA gồm Mỹ, Mexico và Canada ký vào cuối năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Hiệp định mới thiết lập một hạn ngạch cho các sản phẩm được miễn thuế, được gọi là "hạn ngạch thuế quan" hay TRQ.
Tháng 12 năm ngoái, USTR đã lần đầu tiên đệ đơn khiếu nại, kêu gọi tham vấn về cách thực hiện của Canada trong việc quy định những đối tượng nào có thể tiếp cận các sản phẩm sữa xuất khẩu của Mỹ, theo đó dành một số hạn ngạch sữa cho các nhà chế biến.
Washington cho rằng điều này làm giảm cơ hội của các nông dân và nhà sản xuất sữa của Mỹ nhằm bán nhiều loại sản phẩm sữa cho người tiêu dùng Canada.
Một quan chức USTR cho biết các chính sách này ngăn cản các nhà sản xuất sữa Mỹ xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn đến các nhà bán lẻ Canada./.