Mỹ đề xuất dự luật tịch biên và chuyển tài sản của Nga cho Ukraine
Các nghị sĩ Mỹ đang đề xuất dự luật tái thiết cơ hội và sự thịnh vượng kinh tế cho người dân Ukraine, cho phép Tổng thống Joe Biden tịch biên và chuyển giao tài sản của Nga cho Ukraine để hỗ trợ tái thiết ở thời kỳ hậu chiến.
Jim Risch, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa và thành viên cấp cao của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, cùng Sheldon Whitehouse, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, thành viên của Ủy ban tư pháp Thượng viện Mỹ, đã giới thiệu dự luật trên hôm 15-6.
Dự luật lập luận rằng Nga “chịu trách nhiệm về gánh nặng tài chính trong quá trình tái thiết Ukraine” và trao cho Tổng thống Mỹ quyền “tịch biên” các tài sản có chủ quyền của Nga đang bị phong tỏa ở Mỹ, bao gồm cả tài sản của Ngân hàng trung ương Nga, để có thể nhanh chóng được chuyển đến Ukraine.
Ngoài ra, dự luật kêu gọi Tổng thống Biden thúc đẩy việc thiết lập một “cơ chế bồi thường quốc tế chung” với các đối tác nước ngoài như một cách bổ sung để chuyển số tiền Nga bị tịch biên cho Kyiv.
Động thái này diễn ra khi cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đang gia tăng áp lực lên chính quyền Tổng thống Biden và các nước đồng minh để tìm cách sử dụng tiền của Nga tài trợ cho hàng tỉ đô la cần thiết để tái thiết Ukraine, thay vì sử dụng tiền những người nộp thuế ở phương Tây.
Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 100 tỉ đô la viện trợ quân sự, nhân đạo và kinh tế cho Kyiv. Trong khi lãnh đạo lưỡng đảng ở Mỹ vẫn dành sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine, một số nghị sĩ đã chất vấn liệu Mỹ có thể dành sự ủng hộ lớn như vậy trong bao lâu giữa lúc có nhiều lời kêu gọi kiểm soát chi tiêu của chính phủ.
Các nhà bảo trợ cho dự luật trên cho biết mục đích của họ là đảm bảo Moscow phải trả tiền cho những thiệt hại do cuộc chiến ở Ukraine, chứ không phải người nộp thuế ở Mỹ.
Dự luật cũng thu hút được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Hạ viện Mỹ. Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ, và Marcy Kaptur, một đảng viên đảng Dân chủ, đồng chủ tịch nhóm nghị sĩ ủng hộ Ukraine tại Hạ viện Mỹ, đã bày tỏ sự đồng tình với dự luật này.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2-2022, các nước phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỉ đô la của Ngân hàng trung ương Nga ở nước của họ.
Mỹ và các đồng minh muốn sử dụng số tiền đó khi họ gấp rút đàm phán về các cơ chế tài trợ cho quá trình tái thiết dài hạn của Ukraine. Anh sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế vào cuối tháng này để thảo luận kế hoạch tái thiết sau chiến tranh ở Ukraine.
Việc sử dụng tiền của Nga để tài trợ cho một phần lớn công cuộc tái thiết Ukraine sẽ hạn chế chi phí cho các đồng minh phương Tây vào thời điểm ngày càng có nhiều lo ngại các chính trị gia không còn nhiệt tình ủng hộ khoản viện trợ kinh tế bổ sung khổng lồ cho nước này.
Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngại ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về việc chuyển tài sản bị đóng băng của Nga sang Ukraine để tái thiết. EU đang xem xét các giải pháp để chuyển lợi nhuận, bao gồm cả các khoản thanh toán lãi, từ các tài sản có chủ quyền bị đóng băng của Nga, cho Ukraine.
Chính quyền Biden vẫn đang cân nhắc xem có thể làm gì với các tài sản có chủ quyền đang bị đóng băng của Nga và chưa đưa ra quan điểm nào về dự luật nói trên.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nhấn mạnh điều quan trọng là bất kỳ bước tiếp theo của Mỹ phải được thực hiện thông qua tham vấn cẩn thận với các đồng minh và đối tác vì hầu hết các tài sản có chủ quyền của Nga bị đóng băng đều nằm bên ngoài nước Mỹ.
Những lo ngại về hành động tịch biên và chuyển giao tài sản có chủ quyền của Nga bao gồm rủi ro gây bất ổn cho thị trường tài chính, hoặc tạo tiền lệ cho những hành động như vậy được triển khai như một công cụ chính sách đối ngoại trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, một động thái như vậy chắc chắn vấp phải các biện pháp trả đũa quyết liệt của Moscow. Trước đó, Financial Times dẫn các nguồn tin cho biết Nga đang cân nhắc các biện pháp bao gồm quốc hữu hóa tài sản của các công ty phương Tây tại Nga như là cách để đáp trả trong trường hợp tài sản của Nga đang bị đóng băng ở Mỹ và các nước đồng minh bị tịch biên.
Một số nhà ngoại giao phương Tây cũng có thể lo ngại việc chuyển các khoản tiền bị đóng băng của Nga cho hoạt động tái thiết Ukraine sẽ làm mất đi một quân bài mặc cả trong một cuộc đàm phán trong tương lai về việc giải quyết xung đột ở Ukraine.
Financial Times, Reuters