Mỹ điều chiến hạm áp sát Trường Sa
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ hôm 29/4 xác nhận tàu tuần dương USS Bunker Hill thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Quan chức Hải quân Mỹ hôm 29/4 cho biết, tàu tuần dương USS Bunker Hill vừa di chuyển qua khu vực Đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện Đá Ga Ven là 1 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp phi pháp.
Hoạt động tự do hàng hải của tàu Bunker Hill được triển khai 1 ngày sau khi Hải quân Mỹ xác nhận tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52) thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hạm đội 7 nhấn mạnh các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và việc càn quét gây hấn ở Biển Đông là mối đe dọa nghiêm trọng tới quyền tự do hàng hải, hàng không và quyền đi lại của tất cả các tàu bè các nước.
Tuy nhiên, Li Huamin, Phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Nam của quân đội Trung Quốc cho rằng, những hành động khiêu khích của Mỹ vi phạm nghiêm trọng "chủ quyền", "lợi ích an ninh" của Trung Quốc và cố tình gia tăng rủi ro an ninh khu vực và có thể dễ dàng dẫn tới sự cố bất ngờ.
Ông Li còn khẳng định hoạt động tự do hàng hải của Mỹ không phù hợp trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà cộng đồng quốc tế đang chiến đấu chống dịch, cũng như không phù hợp với hòa bình và ổn định khu vực.
Ông Li Huamin cho biết thêm rằng, chính quyền Trung Quốc đã bố trí tàu và máy bay để “theo dõi, giám sát, xác minh, xác định và xua đuổi” một tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, một quan chức Hải quân Mỹ khẳng định, hoạt động của USS Barry diễn ra theo kế hoạch và không gặp phải bất kỳ hành vi thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp nào từ các máy bay hoặc tàu chiến Trung Quốc.
Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về hoạt động tự do hàng hải của tuần dương hạm USS Bunker Hill.
Trên thực tế, Trung Quốc mới là quốc gia gia tăng các hành động phi pháp trên Biển Đông thời gian qua.
Không lâu sau khi ngang ngược tuyên bố thành lập cái gọi là "khu Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "khu Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là"thành phố Tam Sa", Trung Quốc ngang nhiên công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/my-dieu-chien-ham-ap-sat-truong-sa-ar543308.html