Mỹ điều siêu tàu sân bay mạnh nhất thế giới USS Gerald R. Ford tiến đến sát Israel
Tổng thống Biden ra lệnh điều siêu tàu sân bay mạnh nhất thế giới là USS Gerald R. Ford (CVN-78) thuộc lớp Ford tiến sát gần Israel, động thái nhằm thể hiện ủng hộ Tel Aviv sau cuộc tấn công của Hamas.
Tổng thống Joe Biden ngày 8/10 ra lệnh triển khai tàu sân bay tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ cùng 6 tàu chiến khác và một số tiêm kích hiện đại tới phía đông Địa Trung Hải, khi các đồng minh của Israel cùng lên tiếng thể hiện ủng hộ nước này.
Trong thông cáo phát đi ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ông đã chỉ thị di chuyển biên đội tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Hải quân Mỹ đến phía đông Địa Trung Hải, gần Israel hơn.
Biên đội này bao gồm tàu sân bay, một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường và 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường.
Ngoài ra, ông Austin cho hay Mỹ cũng đã thực hiện các bước để tăng cường các phi đội máy bay chiến đấu F-35, F-15, F-16 và A-10 của Không quân trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần qua nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng viện trợ bổ xung của Mỹ dành cho quân đội Israel đang trên đường đến Israel. Tel Aviv sẽ được nhận thêm viện trợ trong những ngày tới, Nhà Trắng cho biết sau cuộc điện đàm giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Tổng thống Israel Isaac Herzog.
Tàu sân bay lớp Ford có thể mang theo trên 90 máy bay các loại, bao gồm cả máy bay cánh cố định và trực thăng với đủ chủng loại cảnh báo sớm, tác chiến chống ngầm, tác chiến điện tử… Đặc biệt, nó được trang bị “cặp song sát” là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35C và máy bay trinh sát/tấn công không người lái tàng hình (UCAV) X-47B. Hai loại máy bay chiến đấu tàng hình có và không người lái này sẽ giúp tàu sân bay lớp Ford có khả năng xuyên phá qua mọi hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới.
Bảo đảm được tần suất và số lượt chiếc máy bay xuất kích ngày càng gia tăng trong tác chiến hiện đại là mục tiêu then chốt của bất cứ tàu sân bay nào. Được trang bị hệ thống máy phóng và thiết bị hãm điện từ, tàu sân bay lớp Ford sẽ phóng máy bay ra khỏi sàn tàu một cách nhẹ nhàng và thu hồi máy bay hạ cánh an toàn hơn sử dụng máy phóng hơi nước và thiết bị hãm đà kiểu cũ. Vì thế hiệu suất cũng cao hơn 25% so với các tàu sân bay lớp Nimitz.
Tính đa dạng trong tác chiến của hàng không mẫu hạm sử dụng máy phóng điện từ chính là khả năng bảo đảm hoạt động bình thường cho tất cả các loại máy bay mà nó mang theo. Với cường độ tác chiến mức cao nhất, siêu tàu sân bay này có thể duy trì mật độ mỗi ngày đêm xuất động 220 lần chiếc tiêm kích hạm, tác chiến liên tục trong 5 - 7 ngày. Trong cường độ tác chiến mức độ trung bình, mỗi ngày nó có thể huy động 180 lượt máy bay, tấn công 1.500 mục tiêu trong thời gian 1 tháng liền.
Do thiết kế tối ưu và áp dụng các công nghệ cao nên siêu tàu sân bay lớp Ford có trình độ tự động hóa cao hơn hẳn so với các tàu sân bay lớp Nimitz. Tàu sân bay lớp Ford chỉ cần 4.660 thủy thủ, ít hơn so với tàu sân bay lớp Nimitz 700 người, nó cũng chỉ cần đến 3 thang máy nâng, hạ tiêm kích hạm so với 4 của các tàu sân bay kiểu cũ.
Tàu sân bay này còn được áp dụng một số công nghệ đỉnh cao như radar mảng pha điện tử thế hệ mới nhất, hệ thống phòng thủ laser trên hạm, hệ thống thông tin dạng lưới đa cực. Với khả năng phòng thủ/tấn công siêu hạng của mình, USS Gerald R. Ford xứng đáng trở thành siêu tàu sân bay lớn nhất, hiện đại nhất và mạnh mẽ nhất thế giới từ trước đến nay.
Giới chuyên gia cho rằng Nga và Trung Quốc sẽ mất vài thập niên nếu muốn chế tạo được một sản phẩm tương tự như Mỹ.
Theo Reuters, AFP