Mỹ dỡ bỏ trừng phạt Syria: Chiến thắng lớn với Thổ Nhĩ Kỳ?

Chuyên gia cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dỡ bỏ trừng phạt Syria cho thấy các quốc gia tầm trung như Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể điều hướng các vấn đề quốc tế.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria. Động thái này là một chiến thắng lớn đối với chính phủ của Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmad al-Sharaa trong bối cảnh ông đang nỗ lực củng cố chính quyền mới gần sáu tháng sau khi chế độ Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Khi công bố dỡ trừng phạt, ông Trump ghi nhận vai trò của Saudi Arabia cũng như Thổ Nhĩ Kỳ. Cả hai đều là những đối thủ lâu năm của chính quyền ông al-Assad, đã nhanh chóng ủng hộ ông al-Sharaa và đã thúc giục Mỹ bình thường hóa quan hệ với chính phủ mới của Syria.

Các chuyên gia cho rằng những diễn biến ở Syria cho thấy vai trò vượt trội mà một quốc gia tầm trung như Thổ Nhĩ Kỳ có thể đảm nhận trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Đông - nơi các cường quốc như Mỹ đang được nhìn nhận là có tầm ảnh hưởng ngày càng suy giảm và đôi khi khó đoán định, theo tờ The Conversation.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia ngày 14-5. Ảnh: HOÀNG GIA SAUDI ARABIA

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia ngày 14-5. Ảnh: HOÀNG GIA SAUDI ARABIA

Cơ hội mở ra ở Syria

Sau 13 năm nội chiến tàn khốc, Syria đang đối mặt hàng loạt thách thức lớn, bao gồm nhiệm vụ trước mắt là xây dựng lại nhà nước. Bạo lực vẫn hiện diện rõ ràng ngay trong lòng Syria. Thêm vào đó, Israel cũng liên tục tấn công các vị trí tại Syria nhằm làm suy yếu chính quyền mới.

Đối với chính phủ Israel, một Syria hùng mạnh, được quân sự hóa sẽ là mối đe dọa, đặc biệt liên quan khu vực biên giới bất ổn tại Cao nguyên Golan.

Bất chấp những vấn đề mà chính phủ mới của Syria đang đối mặt, Damasus vẫn cho thấy năng lực đáng kể trong việc giành được sự công nhận quốc tế, đặc biệt nếu xét đến mối liên hệ trong quá khứ của ông al-Sharaa và nhóm Hayat Tahrir al-Sham của ông với al-Qaeda - tổ chức đã bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài từ năm 2014.

Sự gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong bối cảnh này, vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên đặc biệt quan trọng. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã liên tục gây sức ép để tổng thống Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Syria.

Hai nhà lãnh đạo đã thiết lập mối quan hệ thân thiết từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi nhà lãnh đạo Mỹ từng tuyên bố ông là “người hâm mộ lớn” của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Hoạt động ngoại giao thầm lặng của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được xem như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm lấp đầy khoảng trống quyền lực ở Syria sau sự sụp đổ của ông al-Assad. Việc làm này không chỉ củng cố vị thế của ông Erdogan như một nhân tố khu vực, mà còn phục vụ cho chương trình nghị sự trong nước của ông.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng hành động trên nhiều mặt trận nhằm định hình lộ trình tương lai của Syria thông qua các dự án kinh tế và an ninh.

Trước hết, Ankara đã gia tăng đầu tư vào Syria. Tương tự như những gì từng làm tại Libya và Somalia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia đào tạo và trang bị cho lực lượng an ninh mới của Syria.

Tại tỉnh Idlib (phía đông bắc Syria), Thổ Nhĩ Kỳ đang tài trợ cho các dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế và điện lực. Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ hiện được sử dụng như tiền tệ chính thức tại khắp khu vực tây bắc Syria.

Gốc rễ của những cam kết này xuất phát từ mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kiểm soát tình hình an ninh của chính mình.

Kể từ năm 1984, Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến đấu chống lại các nhóm ly khai người Kurd, đặc biệt là Tổ chức vũ trang Đảng Công nhân người Kurd (PKK). PKK có liên hệ với lực lượng dân quân người Kurd (YPG) ở đông bắc Syria – một trong những nhóm từng chiến đấu chống lại lực lượng của ông al-Assad trong cuộc nội chiến.

Ankara hiện vẫn là bên kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở đông bắc Syria sau các chiến dịch chống chính quyền ông al-Assad và các nhóm người Kurd. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý với kế hoạch của Syria về việc sáp nhập lực lượng YPG - cánh vũ trang của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo - vào quân đội mới của Syria.

Từ lâu, quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cuộc chiến chống PKK chỉ có thể giành chiến thắng lâu dài khi Syria ổn định. Hiện tại, PKK đang tìm cách đạt được hòa bình với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng việc SDF ở Syria có chịu giải giáp và giải tán hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Do đó, một chính quyền Syria ổn định, vững mạnh, trong đó có sự dung hòa quyền lợi của người Kurd, có thể phục vụ tốt nhất lợi ích của Ankara.

 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 11-4. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 11-4. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Sự sụp đổ của ông al-Assad kéo theo việc Nga rút khỏi Syria. Trong khi đó, ảnh hưởng của Iran cũng suy giảm, không chỉ vì sự ra đi của chính quyền ông al-Assad mà còn do nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon bị suy yếu về quân sự. Mỹ cũng không còn hỗ trợ tích cực cho lực lượng YPG ở đông bắc Syria.

Trong khoảng trống quyền lực này, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để tái định hình cục diện an ninh.

Việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ để lại tác động chính trị lâu dài, vượt xa ảnh hưởng kinh tế ngắn hạn. Syria hiện không có nhiều quan hệ thương mại trực tiếp với Mỹ, chỉ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và đồ cổ. Nhưng sự xuất hiện của tính chính danh chính trị và việc được công nhận về ngoại giao là một chiến thắng mang tính biểu tượng đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cánh cửa chính trị mới này cũng mở ra hy vọng về các khoản đầu tư trong tương lai vào Syria.

Ngoài ra, thành công của ông al-Sharaa trong việc tái thiết Syria hậu nội chiến cũng sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết một vấn đề khác, đó là người tị nạn Syria.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận khoảng 3,2 triệu người tị nạn Syria – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Con số đông đảo và thời gian lưu trú kéo dài của những người tị nạn này đã tạo áp lực lên nền kinh tế và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến các vụ đụng độ giữa người dân bản địa và người tị nạn.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hình thành sự đồng thuận rộng rãi rằng vấn đề người tị nạn Syria chỉ có thể được giải quyết bằng một chiến lược hồi hương toàn diện.

Dù người Syria đã nhập quốc tịch tại Thổ Nhĩ Kỳ là một nhóm cử tri quan trọng của đảng AK cầm quyền do ông Erdogan lãnh đạo, nhưng giải pháp duy nhất mà tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của ông hiện đang hướng tới là đưa người tị nạn trở về nước. Để thực hiện điều đó, việc phát triển nhanh chóng và ổn định hạ tầng, nhà ở tại Syria được xem là điều thiết yếu.

Triển vọng cho các quốc gia nhỏ và tầm trung

Cơ hội chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria vẫn tồn tại những rủi ro. Các cuộc không kích của quân đội Israel cho thấy thách thức mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt khi cố gắng thúc đẩy lợi ích của mình tại Syria.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách chuyển hóa vai trò ngày càng lớn của mình trong khu vực thành đòn bẩy để củng cố vị thế trong cuộc tranh chấp kéo dài tại đảo Cyprus.

Hòn đảo này, cách bờ biển Syria vài trăm km, hiện bị chia cắt thành hai vùng: người Cyprus gốc Hy Lạp ở phía nam và vùng ly khai của người Cyprus gốc Thổ ở phía bắc – khu vực mà chỉ duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ công nhận là một nhà nước độc lập.

Ankara đang nỗ lực điều chỉnh phạm vi thẩm quyền hàng hải ở phía đông Địa Trung Hải thông qua một thỏa thuận với Syria, nhưng kế hoạch này hiện bị đình trệ do Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ lập trường của Hy Lạp trong vấn đề Cyprus.

Tuy nhiên, các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria vẫn đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ ở nơi khác. Các quốc gia Ả Rập như Saudi Arabia và Qatar ủng hộ thể chế hậu ông al-Assad ở Syria và cho rằng lợi ích của họ đang song hành với Thổ Nhĩ Kỳ dù vẫn còn sự cạnh tranh trong thế giới Hồi giáo dòng Sunni.

Theo các chuyên gia, những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang làm với Syria cho thấy cách các quốc gia nhỏ và tầm trung có thể tự vạch ra hướng đi riêng trong nghệ thuật đối ngoại.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/my-do-bo-trung-phat-syria-chien-thang-lon-voi-tho-nhi-ky-post850683.html