Mỹ dỡ trừng phạt Syria: Liệu cơ chế có dễ dàng và nhanh chóng?
Việc dỡ trừng phạt Syria đòi hỏi chính phủ Mỹ có chiến lược rõ ràng và thận trọng để xác định lệnh trừng phạt nào và khi nào sẽ được gỡ bỏ.
Ngày 13-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt lâu năm của Mỹ đối với Syria. Sau tuyên bố này, Washington có khả năng sẽ đưa ra một số biện pháp nới lỏng trừng phạt trong vài tuần tới, theo hãng tin Reuters ngày 15-5.
Liệu quá trình có dễ dàng và nhanh chóng?
Sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị lật đổ vào cuối năm ngoái, các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ đã soạn thảo các bản ghi nhớ và tài liệu định hướng nhằm hỗ trợ chính phủ trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria, trong trường hợp chính quyền quyết định thực hiện điều đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa), Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa (phải) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman hôm 14-5 tại Saudi Arabia. Ảnh: HOÀNG GIA SAUDI ARABIA
Những tài liệu này đóng vai trò như hướng dẫn chiến lược, giúp chính quyền xác định lộ trình và các phương án cụ thể để điều chỉnh hoặc loại bỏ các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt từ thời ông al-Assad.
Tuy vậy, việc dỡ bỏ hoàn toàn trừng phạt đối với Syria không dễ dàng và nhanh chóng.
Một bản tóm tắt của Nhà Trắng về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống lâm thời Syria - ông Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia hôm 13-5 cho biết tổng thống Mỹ đã yêu cầu Syria tuân thủ một số điều kiện để được nới lỏng các lệnh trừng phạt, bao gồm: yêu cầu tất cả các phần tử khủng bố nước ngoài rời khỏi Syria, trục xuất các "phần tử khủng bố Palestine" và hỗ trợ Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt hiếm khi dễ dàng, thường đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan chính phủ khác nhau và quốc hội Mỹ, theo Reuters. Điều này đặc biệt khó khăn trong trường hợp của Syria, do nhiều lớp biện pháp trừng phạt của Mỹ đã cắt đứt nước này khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế và cấm nhiều mặt hàng nhập khẩu quốc tế.
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Edward Fishman cho rằng việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria - vốn được áp đặt thông qua sự kết hợp giữa các sắc lệnh và luật định - có thể mất nhiều tháng để thực hiện. Tuy nhiên, ông Fishman lưu ý rằng Bộ Tài chính Mỹ có kinh nghiệm trong việc nới lỏng trừng phạt từ thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2015.
Làm phức tạp thêm vấn đề là các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Bảo vệ Dân thường Syria Caesar, hay còn gọi là “Đạo luật Caesar”, được thông qua năm 2019 và gia hạn vào cuối năm ngoái, ngay sau khi chính quyền ông al-Assad sụp đổ. Đạo luật này không chỉ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với chính quyền Syria khi đó mà còn bao gồm các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty hoặc chính phủ nước ngoài hợp tác với chính quyền này.
Việc đảo ngược “Đạo luật Caesar” sẽ đòi hỏi hành động của quốc hội Mỹ, nhưng nó bao gồm một điều khoản cho phép tổng thống đình chỉ các lệnh trừng phạt Syria vì lý do an ninh quốc gia. Ngoài ra, ông Trump có thể ban hành một giấy phép chung để tạm thời đình chỉ một phần hoặc toàn bộ các lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, ông Fishman cho biết ông sẽ ngạc nhiên nếu mọi lệnh trừng phạt Syria đều được dỡ bỏ theo lệnh của ông Trump, thêm rằng một số cá nhân hoặc thực thể cụ thể ở Syria bị trừng phạt vì những lý do cụ thể dựa trên hành vi, chẳng hạn như hỗ trợ cho một nhóm khủng bố, có thể không được xóa khỏi danh sách trừng phạt.
Một yếu tố gây phức tạp thêm nữa là tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - lực lượng đã lật đổ chế độ Tổng thống al-Assad, hiện đang dẫn dắt chính phủ lâm thời Syria. HTS trước đây được biết đến với tên gọi Mặt trận al-Nusrah và từng là chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, đã bị Mỹ, Canada và một số chính phủ khác liệt kê là tổ chức khủng bố.
HTS cũng bị Liên Hợp Quốc (LHQ) xếp vào danh sách tổ chức khủng bố — một danh sách mà tất cả các quốc gia thành viên LHQ, bao gồm Mỹ, đều phải tuân thủ. Việc bị LHQ xếp vào danh sách khủng bố đi kèm với các biện pháp đóng băng tài sản, cấm đi lại và cấm vận vũ khí.
Tuyên bố của Tổng thống Trump về chấm dứt lệnh trừng phạt Syria là một sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại của Mỹ. Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria rất phức tạp và sẽ đòi hỏi chiến lược để xác định lệnh trừng phạt nào sẽ được dỡ bỏ và khi nào, cũng như các biện pháp nào được thực hiện để cho phép khôi phục lệnh trừng phạt nếu tình hình ở Syria xấu đi, theo bà Kimberly Donovan - Giám đốc Sáng kiến Quản lý Nhà nước Kinh tế tại Trung tâm Địa kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương.
Mỹ chuẩn bị dỡ trừng phạt Syria
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh rằng Mỹ muốn làm mọi thứ có thể để giúp đạt được một Syria hòa bình, ổn định khi đất nước này thoát khỏi 13 năm nội chiến. Ông Rubio nói rằng Tổng thống Trump có ý định cấp miễn trừ theo "Đạo luật Caesar".

Cuộc gặp giữa phái đoàn Mỹ với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia ngày 14-5. Ảnh: SAUDI STATE TV
“Đó là điều mà tổng thống dự định thực hiện. Những quyền miễn trừ này phải được gia hạn sau 180 ngày. Cuối cùng, nếu đạt được đủ tiến triển, chúng tôi muốn thấy đạo luật bị bãi bỏ, vì sẽ rất khó để thu hút nhà đầu tư vào một quốc gia khi các lệnh trừng phạt có thể quay trở lại sau 6 tháng” - ông Rubio nói.
“Tôi nghĩ nếu chúng tôi tiếp tục đạt được tiến triển, hy vọng sẽ đến lúc có thể yêu cầu quốc hội chính thức gỡ bỏ các lệnh trừng phạt” - ông Rubio nói thêm.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết người đồng cấp Syria đã có mặt tại Washington 2 tuần trước và công tác chuẩn bị liên quan lệnh trừng phạt Syria đã được tiến hành, phần lớn trong số đó là theo luật định theo đạo luật Caesar.
Ngày 15-5, Bộ Tài chính Mỹ đăng trên mạng xã hội X rằng cơ quan này đang làm việc với Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ để thực hiện quyết định của ông Trump.
"Chúng tôi mong muốn thực hiện các ủy quyền cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại khoản đầu tư mới vào Syria. Các hành động của Bộ Tài chính có thể giúp xây dựng lại nền kinh tế, khu vực tài chính và cơ sở hạ tầng của Syria và có thể đưa đất nước này vào con đường hướng tới một tương lai tươi sáng, thịnh vượng và ổn định" - theo Bộ Tài chính Mỹ.