Bán chip cho Trung Đông, Tổng thống Trump có đánh đổi tương lai công nghệ Mỹ?
Những hợp đồng khổng lồ nhằm bán chip cho UAE và Saudi Arabia đang gây chia rẽ chính quyền Mỹ – liệu chúng có khiến nước Mỹ tái diễn sai lầm từng mắc với ngành năng lượng: đi đầu rồi để người khác gặt hái thành quả.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan tại cuộc gặp ở Abu Dhabi ngày 15/5/2025. AA/TTXVN
Từ "tân binh" AI đến trung tâm quyền lực mới
Trong chuyến công du ngoại giao lớn đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Trump cùng các phái viên từ Thung lũng Silicon đã biến Vùng Vịnh Ba Tư từ một “tân binh” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) thành một trung tâm quyền lực mới trong ngành.
Theo tờ New York Times, ba nguồn tin cho biết, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đạt được một thỏa thuận khổng lồ để chuyển giao hàng trăm nghìn con chip tiên tiến nhất hiện nay của Nvidia mỗi năm, nhằm xây dựng một trong những trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới. Các lô hàng sẽ bắt đầu được vận chuyển ngay trong năm nay. Phần lớn chip sẽ cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ, và khoảng 100.000 chip sẽ chuyển cho G42 – một công ty AI của UAE.
Chính quyền Tổng thống Trump công bố thỏa thuận trên ngày 15/5, nhân dịp khánh thành một khuôn viên AI mới tại Abu Dhabi, được hỗ trợ bởi hệ thống điện 5 gigawatt – dự án lớn nhất ngoài nước Mỹ tính đến nay. Chính phủ cho biết, dự án sẽ giúp các công ty Mỹ phục vụ khách hàng tại châu Phi, châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể về số lượng chip không được công bố và vẫn có thể thay đổi.
Cùng thời điểm, Mỹ cũng đạt các thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để bán chip Nvidia và AMD cho Saudi Arabia. Năm nguồn tin cho hay, hai nước vẫn đang đàm phán một hợp đồng quy mô lớn hơn về công nghệ AI.
Những câu hỏi lớn từ các thương vụ khổng lồ
Các thương vụ này làm dấy lên câu hỏi lớn, cả trong và ngoài Nhà Trắng: Chính quyền Tổng thống Trump, với quyết tâm chốt được các hợp đồng tại một khu vực mà ông và gia đình có lợi ích tài chính, có đang vô tình “oursource” ngành công nghiệp tương lai cho Trung Đông?
Câu hỏi này phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong chính sách AI của chính quyền Trump. Các thỏa thuận được David Sacks – “Ông trùm AI” của chính phủ – và Sriram Krishnan – cố vấn chính sách cấp cao về AI – trực tiếp đàm phán tại Trung Đông. Cả hai đều là những nhà đầu tư mạo hiểm lâu năm. Những nhân vật hàng đầu trong ngành AI như Sam Altman (OpenAI) và Jensen Huang (Nvidia) cũng tham gia vào các cuộc thương lượng bên lề chuyến đi của tổng thống.
Những người này tin rằng cả công ty và quốc gia đều cần thiết lập mạng lưới đối tác toàn cầu để thành công. Họ lạc quan rằng các thỏa thuận sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngành AI Mỹ và mở rộng lợi thế dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực này.
“Chúng tôi muốn AI Mỹ được lan rộng”, ông Krishnan nói.
Tuy nhiên, khi thông tin chi tiết được gửi về Washington, không ít người bày tỏ nghi ngại và lo lắng. Tờ New York Times đã phỏng vấn 9 quan chức Mỹ đương nhiệm và cựu quan chức, họ đều cho rằng các thỏa thuận này có thể không đủ cơ chế bảo vệ để ngăn công nghệ rơi vào tay Trung Quốc, và đến cuối thập kỷ, những trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới có thể nằm ở Trung Đông chứ không phải ở Mỹ.
Sự căng thẳng này phơi bày những nghịch lý trong chính sách của ông Trump: một mặt, ông chỉ trích gay gắt việc các ngành công nghiệp Mỹ bị chuyển ra nước ngoài và đã áp thuế quan cao để kéo chúng về lại nước Mỹ; mặt khác, ông lại bộc lộ xu hướng toàn cầu hóa khi cho phép các công ty AI Mỹ phát triển ở nước ngoài.
Hai thỏa thuận lớn trên được công bố ngay sau khi xuất hiện các báo cáo cho thấy hơn 2 tỷ USD đã chảy vào các công ty của gia đình Trump trong tháng qua từ Trung Đông – bao gồm khoản đầu tư tiền mã hóa do Saudi Arabia hậu thuẫn và kế hoạch chuyên cơ tổng thống mới từ Qatar.
Klon Kitchen, chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định có thể tôn trọng nỗ lực của chính quyền trong việc đảm bảo công nghệ Mỹ trở thành “đường ray cho toàn bộ AI toàn cầu”, nhưng vẫn phải lo lắng rằng các thỏa thuận có thể khiến Mỹ tái diễn sai lầm từng mắc với ngành năng lượng: đi đầu rồi để người khác gặt hái thành quả.
“Trong chính sách đối ngoại, hiếm khi có giải pháp hoàn hảo – chỉ có những đánh đổi”, ông nói.

Tổng thống Trump thăm Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed ở Abu Dhabi, UAE. Ảnh: NYT
Nước Mỹ phải thắng cuộc đua AI?
Mỹ hiện đang dẫn đầu toàn cầu về phát triển AI nhờ các công ty tiên phong trong lĩnh vực này. Các nước trên thế giới đang xếp hàng để mua chip Nvidia và hợp tác với các nhà cung cấp AI Mỹ. Ít quốc gia nào khao khát chip như UAE và Saudi Arabi – những nước muốn xây dựng ngành công nghiệp AI để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.
Tuy nhiên, mọi thương vụ chip đều cần chính phủ Mỹ phê duyệt. Bởi công nghệ AI có thể được sử dụng trong điều phối quân sự và phát triển vũ khí tự động – Mỹ muốn ngăn nó rơi vào tay các đối thủ địa chính trị.
Chính quyền ông Biden từng cho phép một số giao dịch chip với UAE nhưng đã từ chối đề xuất xây trung tâm dữ liệu 5 gigawatt – giống với kế hoạch hiện tại của ông Trump – vì lo ngại chuyển việc làm AI và hạ tầng an ninh quốc gia ra nước ngoài, lại trao cho một chính quyền có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
Khi ông Trump nhậm chức, các cố vấn của ông lo rằng tiếp tục ngăn chặn sẽ phản tác dụng. Trung Quốc – với Huawei – đang cải thiện hiệu suất chip AI và có thể thay thế nếu Mỹ từ chối bán.
Ông Trump đã nhấn mạnh, “chúng ta phải thắng trong cuộc đua AI” - ông Sacks kể lại lời tổng thống tại hội nghị ở Saudi Arabia.
Các chính phủ vùng Vịnh đề xuất dùng chip và mô hình AI Mỹ để phục vụ khách hàng khu vực, đồng thời cam kết bảo mật chip – đảm bảo Mỹ biết vị trí và mục đích sử dụng.
Ngoài ra, phía Mỹ yêu cầu các nước cân bằng bằng cách đầu tư trở lại vào hạ tầng AI ở Mỹ. UAE đã đồng ý rằng mỗi trung tâm dữ liệu xây cho công ty Mỹ ở Trung Đông sẽ kèm theo đầu tư xây dựng tương tự tại Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump cũng công bố sẽ thành lập nhóm công tác để giám sát đầu tư từ UAE và làm “trơn tru hơn” quy trình xét duyệt đầu tư vào Mỹ.
Chi tiết của các thỏa thuận – và việc G42 có thực sự nhận được chip hay không – vẫn còn phải chờ cấp phép.
Một số chuyên gia hiểu rằng Mỹ không có đủ năng lượng để xây mọi trung tâm dữ liệu toàn cầu. Ông J.J. Kardwell, CEO của Vultr, cho biết Mỹ chỉ đủ công suất cho khoảng 25.000 chip Nvidia mỗi năm, trong khi Trung Đông có thể nhanh chóng xây hạ tầng cho hơn 100.000 chip.
Tuy nhiên, không phải ai trong chính quyền Trump cũng đồng tình. Một số người cáo buộc ông Sacks và Krishnan “đi đêm” với các chính phủ Trung Đông mà không được các cố vấn khác ủng hộ.
Một quan chức giấu tên nói rằng, với thỏa thuận G42, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang chọn để trung tâm huấn luyện AI mạnh nhất thế giới năm 2029 đặt tại UAE thay vì trong nước.
Theo các nhà phê bình chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, mỗi trung tâm dữ liệu xây ở nước ngoài là một cơ hội việc làm, một khoản thuế, một đòn bẩy ảnh hưởng mà Mỹ đã đánh mất. Jimmy Goodrich, cố vấn cấp cao của RAND, gọi việc đưa AI ra nước ngoài là “cách dễ dãi”.
Sam Winter-Levy, học giả tại Carnegie Endowment, nhận định: “Việc bán chip quy mô lớn thế này không hề phù hợp với cách tiếp cận ‘Nước Mỹ trên hết’ trong chính sách AI hay công nghiệp”.