Mỹ đối mặt nguy cơ 'sóng thần' biểu tình
Thủ đô Washington đang chuẩn bị cho kịch bản biểu tình quy mô lớn nhất kể từ sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd
Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại 50 bang của Mỹ sau khi ông Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến chết trong một vụ bắt giữ tại TP Minneapolis, bang Minnesota hôm 25-5. Nhiều hoạt động tưởng niệm dành cho ông Floyd với sự tham dự của hàng ngàn người, trong đó có nhiều quan chức địa phương, diễn ra hôm 4-6 ở nhiều nơi như bang Minnesota, bang New Hampshire, TP New York.
Theo đài ABC (Úc), truyền thông Mỹ ước tính đến nay đã có ít nhất 430 thị trấn và thành phố, trong đó có thủ đô Washington, chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình. Sau hơn 10 ngày biểu tình, vành đai an ninh xung quanh Nhà Trắng tiếp tục được tăng cường.
Sở cảnh sát thủ đô Washington dự đoán một cuộc biểu tình quy mô lớn sẽ diễn ra trong ngày 6-6 (giờ địa phương). Cảnh sát trưởng thủ đô Washington Peter Newsham hôm 4-6 cho biết: "Chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin công khai cho thấy sự kiện vào ngày 6-6 sắp tới có thể là một trong những cuộc biểu tình quy mô lớn nhất tại thủ đô từ trước đến nay".
Hiện chưa rõ nhóm nào tổ chức cuộc tuần hành dự kiến diễn ra vào ngày 6-6 nhưng trên mạng Twitter đang lan truyền phong trào kêu gọi 1 triệu người tuần hành ở thủ đô để phản đối sự tàn bạo của cảnh sát đối với người Mỹ gốc Phi và cái chết của ông Floyd. Cảnh sát cho biết họ đang sử dụng thông tin tình báo để theo dõi các sự kiện sắp diễn ra nhưng không tiết lộ kế hoạch ứng phó vì lý do an toàn của người dân và cảnh sát.
Hàng rào xung quanh Nhà Trắng đang được mở rộng từng giờ, lực lượng an ninh được trang bị vũ trang, lính bắn tỉa và binh sĩ có mặt khắp nơi. 72 giờ kể từ sau các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh với người biểu tình ở Quảng trường Lafayette, thủ đô Washington, Nhà Trắng trở thành một pháo đài đúng nghĩa. Tuy nhiên, các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump không liên quan đến quyết định tăng cường an ninh hay tăng hàng rào an ninh ở vòng ngoài Nhà Trắng.
Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng cũng mong muốn những hàng rào mới này sớm được dỡ bỏ. Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người được Tổng thống Donald Trump giao trọng trách phối hợp phản ứng với các cơ quan thực thi pháp luật liên bang, hôm 4-6 cho biết các biện pháp an ninh và sự hiện diện của quân đội quanh Nhà Trắng sẽ sớm được dỡ bỏ do các quan chức nhận thấy tình trạng biểu tình bạo lực đã giảm đáng kể trong 2 ngày qua.
Mặc dù vậy, một số hàng rào mới dọc các lối vào phía Đông và phía Tây của Nhà Trắng vẫn được dựng lên nhằm chuẩn bị cho kịch bản hàng chục ngàn người biểu tình vào cuối tuần này. Trước đó, Cơ quan Mật vụ Mỹ cho biết việc đóng cửa một số cổng vào Nhà Trắng sẽ duy trì đến ngày 10-6 nhằm duy trì các biện pháp an ninh cần thiết xung quanh Nhà Trắng trong khi vẫn cho phép các cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã lên kế hoạch dự phòng về việc huy động lực lượng tại ngũ khi cần thiết để bảo vệ Nhà Trắng và các tòa nhà khác của chính quyền liên bang nếu tình hình an ninh ở thủ đô xấu đi. Theo hãng tin AP, hơn 9.300 người đã bị bắt giữ và ít nhất 11 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình kéo dài hơn 10 ngày qua.