Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ, Fed liệu sẽ giải cứu
Chủ tịch Fed khẳng định ngân hàng trung ương không thể cứu nền kinh tế khỏi một vụ vỡ nợ. Nhưng theo giới quan sát, nếu tình hình trở nên quá tồi tệ, Fed vẫn còn công cụ để ra tay.
Tại buổi họp báo hôm 3/5, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cho biết Fed không thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước những rủi ro do việc không nâng trần nợ công.
"Đừng nên tin rằng Fed có thể cứu nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng của nước Mỹ trên toàn cầu khỏi những thiệt hại mà sự kiện này gây ra", ông Powell nhấn mạnh.
Nhưng theo Reuters, chỉ cách đây 7 tuần, ông Powell đã cho thấy Fed sẵn sàng vượt khỏi giới hạn của một ngân hàng trung ương, nếu điều đó là cần thiết.
Fed có thể vào cuộc
Đó là khi Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 17 nước Mỹ - sụp đổ vào ngày 10/3. Các động thái của Fed vào thời điểm đó hoàn toàn có thể được dùng với những khoản nợ không thể trả của Mỹ.
Thời điểm đó, Fed cho phép các ngân hàng dùng chứng khoán làm tài sản thế chấp theo mệnh giá. Đáng nói, những chứng khoán này đã giảm giá trị đáng kể.
Động thái này phá vỡ châm ngôn đã có từ lâu của ngân hàng trung ương. Theo đó, tài sản sẽ bị giảm giá trị khi được dùng để thế chấp, nhằm giảm thiểu rủi ro đạo đức và tài chính đối với các khoản vay.
Nguyên tắc này có thể hạn chế những bất ổn tài chính. Ngược lại, nếu Fed chấp nhận các chứng khoán đã vỡ nợ làm tài sản thế chấp, hoặc hoán đổi những khoản nợ liên bang tốt (do Fed nắm giữ) lấy nợ xấu (do các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ), mọi quy tắc sẽ bị đảo lộn.
Nhưng nếu một vụ vỡ nợ kéo nền kinh tế sụp đổ, điều này sẽ còn tệ hại hơn nữa.
Vị chủ tịch phá vỡ mọi thông lệ
Ông Powell gia nhập Fed vào năm 2012. Ban đầu, ông không đồng tình với việc ngân hàng trung ương tích cực can thiệp vào việc nới lỏng định lượng, mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Các động thái này giúp mở rộng bảng cân đối kế toán của Fed, tăng cường sự hiện diện của ngân hàng trung ương trên thị trường tài chính tư nhân nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2007-2009.
Thời điểm đó, nhiều người tin rằng việc nới lỏng định lượng sẽ bị loại bỏ vào một lúc nào đó. Và bảng cân đối kế toán của Fed được thu hẹp về như cũ.
Nhưng sau đại dịch và khủng hoảng tài chính, Fed của năm 2023 đã không còn là Fed dưới thời cựu Chủ tịch Alan Greenspan hay Paul Volcker. Fed hiện tại cũng không giống với thời điểm ông Powell bắt đầu làm việc tại đây.
Giờ đây, nới lỏng định lượng là một phần không thể thiếu trong các chiến lược của Fed. Bảng cân đối kế toán trị giá 7.800 tỷ USD trở thành chìa khóa để ngân hàng trung ương Mỹ quản lý lãi suất và chính sách tiền tệ.
Ông Powell đã nhiều lần sẵn sàng bỏ qua các thông lệ cũ nếu thấy cần thiết. Trong cuộc phỏng vấn vào thời kỳ đầu đại dịch, vị chủ tịch còn nhấn mạnh rằng ông đã vượt qua những rào cản truyền thống khi Fed đồng ý can thiệp vào thị trường trái phiếu tư nhân.
Về lý thuyết, ngân hàng trung ương không nên mua trái phiếu của các công ty tư nhân. Nhưng nếu để tránh một cuộc suy thoái nghiêm trọng, họ có thể gạt lý thuyết sang một bên.
Mùa hè năm 2020, ông Powell đã chuyển trọng tâm chính sách của Fed từ bình ổn giá cả sang toàn dụng lao động. Quyết định của ông thổi bùng tranh cãi khi lạm phát bắt đầu tăng vọt vào năm 2021.
Ông Powell lại một lần nữa điều chỉnh. Fed đã tăng lãi suất dồn dập để kìm hãm lạm phát. Vị chủ tịch tuyên bố rằng cơ quan này sẵn sàng trả giá bằng việc tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
"Một vụ vỡ nợ sẽ buộc chủ tịch Fed phải đưa ra một quyết định khó khăn khác. Nhưng phương châm của ông dường như là 'không bao giờ nói không bao giờ'", Reuters nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-doi-mat-nguy-co-vo-no-fed-lieu-se-giai-cuu-post1428256.html