Mỹ đối mặt rủi ro ngày càng tăng vì hỗ trợ cho Israel
Mỹ có nguy cơ đối mặt với những hậu quả chính trị và ngoại giao vì tiếp tục ủng hộ Israel khi số người chết ở Gaza gia tăng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến bỏ phiếu trong tuần này về một nghị quyết mới kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, chưa đầy hai tuần sau khi Mỹ phủ quyết một biện pháp tương tự.
Các thành viên của HĐBA đã gặp khó khăn trong nhiều ngày để tìm ra điểm chung cho nghị quyết khi cuộc bỏ phiếu đã bị đẩy lùi nhiều lần.
HĐBA gồm 15 thành viên ban đầu dự kiến bỏ phiếu về một nghị quyết – do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) soạn thảo – vào hôm 18/12. Nhưng nó đã nhiều lần bị trì hoãn khi các nhà ngoại giao nói rằng UAE và Mỹ gặp khó khăn trong việc thống nhất ngôn từ nói về việc chấm dứt chiến sự và đề xuất thiết lập cơ chế giám sát viện trợ của LHQ. Israel đã phản đối việc sử dụng thuật ngữ “ngừng bắn”.
Richard Gowan, một nhà phân tích tại International Crisis Group, nói rằng về cơ bản mọi người đều bị mắc kẹt trong việc chờ xem Mỹ sẽ quyết định làm gì. “Có vẻ như ngay cả các nhà ngoại giao Mỹ cũng không biết câu chuyện này sẽ kết thúc như thế nào”, ông Gowan nói thêm.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết ông không muốn nói trước về một nghị quyết chưa được bỏ phiếu.
Lần trì hoãn trong tuần này diễn ra sau bế tắc hồi đầu tháng, khi Mỹ, bất chấp áp lực chưa từng có từ Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, đã ngăn cản thông qua một nghị quyết của HĐBA về cuộc chiến giữa Israel và Hamas.
Dự thảo nghị quyết đã kêu gọi lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza, nơi Israel tiếp tục các cuộc tấn công gây thương vong lớn để trả đũa cuộc đột kích của Hamas vào ngày 7/10. Mỹ cũng thuộc nhóm thiểu số phản đối nghị quyết của Đại hội đồng LHQ yêu cầu ngừng bắn vào tuần trước.
Một số nhà phân tích và các nhà lãnh đạo thế giới đã đặt câu hỏi liệu Washington có phải đối mặt với những hậu quả chính trị và ngoại giao vì tiếp tục ủng hộ Israel khi số người chết ở Gaza gia tăng hay không. Ngay cả khi Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận rằng Israel đang mất đi sự hỗ trợ của quốc tế.
Các quan chức chính quyền Mỹ đã lo lắng rằng sự ủng hộ kiên định cho Israel có thể khiến họ phải trả giá. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết: “Khi dư luận ở rất nhiều quốc gia có thái độ phản đối, điều đó khiến Mỹ khó giành được sự ủng hộ về các vấn đề mà chúng tôi quan tâm”.
Một số đối tác thân cận của Mỹ ở Trung Đông đã công khai và thẳng thắn chỉ trích Mỹ, ngay cả khi Nhà Trắng trở nên cứng rắn với Israel nhiều hơn trong những tuần gần đây. Điều này dẫn đến câu hỏi về vai trò của Mỹ trước nguy cơ bị cô lập với khu vực về lâu dài.