Mỹ đối mặt với mối đe dọa cực đoan trong nước gia tăng
Theo Reuters, các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh của Mỹ nhận định những kẻ cực đoan trong nước có thể gây ra mối đe dọa bạo lực cho xứ sở cờ hoa chẳng kém gì từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Mối lo ngại đối với các phần tử cực đoan lớn lên ngay trong lòng nước Mỹ, nhất là những người có động cơ chủng tộc hoặc sắc tộc, đã khiến Cục điều tra Liên bang (FBI) phải nâng lên mức tương đương với mối đe dọa do các tay súng IS gây ra”, ông Timothy Langan, người đứng đầu bộ phận phản gián thuộc FBI, phát biểu tại Tiểu ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 3-11.
Ông Langan cho hay, FBI đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể mối đe dọa bạo lực từ những kẻ cực đoan trong nước trong 18 tháng qua. Văn phòng của ông đang tiến hành khoảng 2.700 cuộc điều tra liên quan đến chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong nước. Thống kê của FBI ghi nhận 18 vụ tấn công gây chết người nhằm vào các cơ sở tôn giáo của Mỹ khiến 70 người thiệt mạng trong những năm gần đây. Ngoài ra, FBI cũng tích cực hợp tác với các công ty công nghệ nhằm ngăn chặn, phát hiện và phá vỡ những âm mưu, hành động bạo lực đã được lên kế hoạch cũng như tăng cường khả năng giải mã điện thoại di động một cách hợp pháp để phục vụ điều tra.
Trong khi đó, Quyền Thứ trưởng phụ trách tình báo và phân tích tại Bộ An ninh nội địa Mỹ John Cohen khẳng định “ưu thế chủng tộc và kỳ thị người nhập cư” là những mối đe dọa lớn. Lãnh đạo bộ này tin rằng mối đe dọa trong nước lớn nhất là do những kẻ phạm tội đơn độc và các nhóm nhỏ được truyền bá hệ tư tưởng cực đoan. Mặt khác, ông Cohen lưu ý, việc những kẻ cực đoan trong nước tiến hành quá nhiều cuộc thảo luận công khai trên phương tiện truyền thông xã hội cũng gây khó khăn trong quá trình phát hiện ra các mối đe dọa mà chúng gây ra.
Chủ nghĩa cực đoan trong nước không phải là vấn đề mới ở Mỹ. Có thể nói, suốt chiều dài lịch sử, Mỹ là nơi gắn với nhiều loại tư tưởng cực đoan. Một nghiên cứu kéo dài 15 năm của tờ The Conversation chỉ ra rằng, hai mối đe dọa nổi bật nhất tới an ninh nước này hiện nay đến từ chủ nghĩa cực đoan cực hữu trong nước và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.
Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ từng hỗ trợ The Conversation xây dựng cơ sở dữ liệu về tội ác cực đoan và về các vụ phạm tội do những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan gây ra ở nước này. Theo đó, The Conversation xác định có 217 vụ giết người do chủ nghĩa cực đoan cực hữu kích động, khiến 345 người thiệt mạng, trong giai đoạn 1990-2019. Khi tính cả vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma, số vụ tăng lên 218 và số người thiệt mạng tăng lên 513.
Khi so sánh về hậu quả để lại, loạt vụ tấn công ngày 11-9-2001 do mạng lưới khủng bố al-Qaeda thực hiện chắc chắn khiến rất nhiều người dân Mỹ lo sợ chủ nghĩa cực đoan nước ngoài mà coi nhẹ chủ nghĩa cực đoan trong nước. Tuy nhiên, vụ việc lớn gần đây nhất là cuộc bạo loạn xảy ra tại đồi Capitol vào đầu tháng 1-2021 đã bóc trần mầm mống về làn sóng bạo lực cực đoan “nội địa” luôn âm ỉ và chỉ chờ cơ hội bùng phát tại xứ cờ hoa. Phải chăng, đó cũng là nguyên nhân mà ngay trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo nước này sẽ phải đương đầu với sự gia tăng chủ nghĩa cực đoan chính trị, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng và chủ nghĩa khủng bố trong nước.