Theo trang Topwar của Nga, việc tàu ngầm lớp Yasen đi thẳng vào vùng tác chiến chống ngầm của Mỹ có thể đã giúp cho Washington cơ hội tốt để khai thác bí mật tín hiệu âm thanh.
Ngay cả khi không có tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tuần tra, một phương tiện như chiếc Kazan tới thăm Cuba gần như không thể băng qua Đại Tây Dương mà không bị chú ý.
Tàu ngầm chủ yếu được phát hiện thông qua phương pháp âm thanh. Kỹ thuật đầu tiên là tìm hướng tiếng ồn thụ động, bao gồm việc phát hiện cả âm thanh tần số thấp mà con người không thể nghe thấy.
Những sóng âm tần số thấp này truyền đi xa hơn nhiều so với âm thanh trong phạm vi con người có thể nghe được và là yếu tố đặc trưng để nhận diện tàu ngầm đang hoạt động trong lòng đại dương.
Phương pháp thứ hai là sonar chủ động. Điều này liên quan đến việc một trạm thủy âm gửi tín hiệu xuống nước, sau đó tín hiệu này sẽ va chạm với thân tàu ngầm và quay trở lại trạm trinh sát.
Một biến thể của kỹ thuật này là "chiếu sáng tần số thấp", khi phát ra các dao động tần số thấp, bởi bước sóng dài có thể truyền đi khoảng cách rất xa và trả lại tín hiệu phản xạ đến thiết bị thu.
Cả kỹ thuật sonar thụ động và chủ động đều được sử dụng trong các hệ thống trinh sát thủy âm cố định và trên tàu mặt nước, có thể phát hiện hướng và vật thể tạo ra tiếng ồn từ các nguồn dưới nước.
Để phát hiện tàu ngầm, các tàu săn ngầm hiện đại sử dụng phương pháp kết hợp giữa máy phát tần số thấp và trạm sonar kéo, thường được trang bị ăng ten âm thanh mở rộng linh hoạt.
Phương pháp này cung cấp phạm vi phát hiện rộng, khiến ngay cả những tàu ngầm yên tĩnh nhất cũng gần như không thể tránh khỏi bị phát hiện do cách truyền sóng âm. Về cơ bản, sóng tần số thấp chạm vào thân tàu ngầm sẽ phản xạ trở lại, khiến việc ẩn náu trở nên vô ích.
Tuy nhiên trò chơi thay đổi hoàn toàn khi một tàu ngầm được giao nhiệm vụ định vị một chiếc tàu ngầm khác. Ở đây, các phương pháp phát hiện truyền thống không còn hiệu quả.
Độ ồn thấp của tàu ngầm thế hệ mới do Nga chế tạo thời gian gần đây khiến chúng gần như không thể bị phát hiện khi hoạt động ở chế độ tàng hình.
Cho đến gần đây, Bộ chỉ huy Mỹ vẫn chưa có bất kỳ hồ sơ âm thanh chi tiết nào về tàu ngầm lớp Yasen của Nga. Tuy nhiên khi chiếc Kazan tiến gần tới vùng biển Cuba, hệ thống máy tính của Mỹ đã bắt đầu công việc của mình, ghi lại tỉ mỉ từng dấu hiệu âm thanh.
Giữa vô số tạp âm, máy tính giờ đây có thể tách ra những “khối” âm thanh cụ thể thuộc về tàu ngầm, chúng đủ sức phân tích một cách tỉ mỉ nhiễu phức tạp, tách biệt những âm thanh độc đáo của tàu ngầm và lọc ra tiếng ồn không liên quan.
Trò chơi đã thay đổi. Đã qua rồi cái thời phải chăm chú lắng nghe từng âm thanh của đại dương. Các hệ thống trinh sát tiên tiến hiện nay có thể tự động phân tích tiếng ồn ghi nhận được.
Khi các chuyên gia xác định tần số duy nhất của tàu ngầm Nga trong dữ liệu được ghi lại, họ có thể xác định chủng loại của nó và sau đó bắt đầu tìm kiếm.
Việc phân loại và phát hiện mục tiêu đã chuyển hướng - từ nhận diện các bộ phận riêng lẻ của tàu ngầm từ khoảng cách rất xa đến xác định chính xác vị trí của nó.
Theo trang Topwar, hành động "biểu dương lực lượng" nhằm "răn đe Mỹ" và thể hiện sức mạnh đồng thời cũng đã mang tới nguy cơ tiềm ẩn cho Hải quân Nga.