Mỹ đưa 4 'pháo đài bay' B-52 đến Anh tập trận cùng NATO
Bốn oanh tạc cơ chiến lược B-52 của Mỹ đã đến Anh để tham gia các cuộc tập trận của NATO, giữa lúc căng thẳng với Nga về vấn đề Ukraina đang leo thang.
“Oanh tạc cơ B-52, cùng các trang thiết bị hậu cần và nhân lực từ căn cứ Minot, đã đến sân bay quân sự Fairford của Anh để thực hiện đợt luân chuyển Lực lượng Oanh tạc cơ Đặc biệt (BTF) được lên kế hoạch từ lâu", Bộ tư lệnh Không quân Mỹ khu vực châu Âu - châu Phi (USAFE-AFAFRICA) thông báo hôm 10/2.
Không quân Mỹ cũng cho biết, phi đội 4 chiếc B-52 thuộc Không đoàn ném bom số 5 đã hội quân với các tiêm kích Typhoon của Anh và F-16 của Bồ Đào Nha đang làm nhiệm vụ tuần tra thường trực tại Iceland trong hành trình. Những oanh tạc cơ này cũng phối hợp với các binh sĩ điều phối tấn công mặt đất của Anh để huấn luyện nội dung yểm trợ tầm gần.
Việc phối hợp tập trận với các đồng minh được cho là giúp cải thiện sự hợp tác và năng lực hoạt động chung. “Từ năm 2018, các đợt luân phiên triển khai oanh tạc cơ đến châu Âu đã giúp duy trì sự sẵn sàng của chúng tôi nhằm thực hiện nhiều nhiệm vụ trên khắp 2 lục địa, đảm bảo hòa bình thông qua sự răn đe”, thông báo của Không quân Mỹ cho biết thêm.
Kênh tin tức Anh iTV, dẫn lời Đại tướng Jeff Harrigan – chỉ huy lực lượng USAFE-AFAFRICA, nói rằng trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu liên tục biến đổi, sự đoàn kết trong những nỗ lực của Mỹ cùng đồng minh và đối tác là điều thiết yếu.
"Các cuộc luân chuyển máy bay ném bom nhằm củng cố cam kết của Mỹ với các đồng minh NATO và các đối tác, nhằm duy trì chủ quyền cũng như an ninh tập thể của chúng tôi", tướng Harrigan nói thêm.
Cũng trong ngày 10/2, 8 tiêm kích F-15 Eagle đồn trú tại Anh của Mỹ đã hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Lask tại Ba Lan, và sẽ phối hợp với các đội tiêm kích của Ba Lan và Đan Mạch để thực hiện một số nhiệm vụ tuần tra tại sườn phía đông khu vực thuộc phạm vi ảnh hưởng của NATO.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh phương Tây cáo buộc Nga triển khai hơn 100.000 quân ở sát biên giới với Ukraina, với lo ngại Moscow có thể tấn công vào nước láng giềng. Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời khẳng định các động thái quân sự gần biên giới với Ukraina chỉ mang tính tự vệ.