Mỹ đưa tàu chiến trang bị tên lửa tới eo biển Đài Loan
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đã đưa tin, tàu USS John Finn, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke đã đi qua eo biển Đài Loan vào hôm thứ Tư (10/3).
Mỹ tiếp tục đưa tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan giữa căng thẳng - Ảnh: Getty
Bài liên quan
Tàu chiến Mỹ tiếp tục thực hiện sứ mệnh tự do hàng hải ở Biển Đông
Tàu chiến Mỹ đi qua cảnh eo biển Đài Loan giữa căng thẳng
Tàu Trung Quốc bám đuổi tàu chiến Mỹ tại eo biển Đài Loan
Căng thẳng Mỹ-Trung đối với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh nổi loạn, bắt đầu leo thang ngay sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng Giêng, khi cả hai nước triển khai sức mạnh hải quân và không quân tới khu vực này để phô trương lực lượng.
Văn phòng các vấn đề công cộng của Hạm đội 7 mô tả, việc triển khai này là một "phương tiện di chuyển thông thường" được tiến hành "phù hợp với luật pháp quốc tế" và gọi đây là sự thể hiện "cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Hạm đội 7 cũng tuyên bố rằng quân đội Mỹ sẽ “tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Trong một diễn biến liên quan, hôm thứ Năm (11/3), Hải quân báo cáo rằng tàu USS Curtis Wilbur, một tàu khu trục khác thuộc lớp Arleigh Burke, đã đi qua Biển Hoa Đông trong lúc được triển khai ở phía tây Thái Bình Dương.
Tàu chiến lớp Arleigh Burke được trang bị một loạt vũ khí, bao gồm tên lửa chống hạm Harpoon, ngư lôi chống tàu ngầm và hệ thống phóng thẳng đứng 90 ô có thể mang tên lửa tấn công đất liền Tomahawk, tên lửa đất đối không RIM-66M và chống tên lửa đạn đạo.
Chuyến ra khơi hôm thứ Tư của tàu USS John Finn là lần triển khai loại này thứ ba kể từ ngày lễ nhậm chức ngày 20 tháng 1 của Tổng thống Biden và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về hòn đảo này.
Trước đó một ngày (9/3), Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, ông Philip Davidson, nói với các nhà lập pháp ở Washington rằng Trung Quốc có thể đang lên kế hoạch nuốt chửng Đài Loan trong vòng “sáu năm tới” và cảnh báo rằng sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á có nguy cơ tạo ra một tình huống “bất lợi” đến Hoa Kỳ từ quan điểm an ninh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ các tuyên bố của ông Davidson, cáo buộc “một số người Mỹ” sử dụng “vấn đề Đài Loan để thổi phồng mối đe dọa quân sự của Trung Quốc” như một cái cớ để tăng chi tiêu quân sự của chính Mỹ và can thiệp ở nước ngoài.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm tàu chiến của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của nước này - Ảnh: Tân Hoa Xã
'Mức độ nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan'
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh xung quanh vấn đề Đài Loan tăng cao vào ngày ông Biden nhậm chức, khi hòn đảo này lần đầu tiên có đại diện tại lễ nhậm chức kể từ khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân Quốc (ROC) vào năm 1979, theo chính sách "Một Trung Quốc".
Washington tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao, kinh tế và quốc phòng không chính thức với Trung Hoa Dân Quốc. Tại cuộc họp giao ban hôm thứ Tư (10/3), người phát ngôn Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ "cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và ngừng bán vũ khí", đồng thời kiềm chế gửi "tín hiệu sai cho các lực lượng ủng hộ Đài Loan độc lập để không phá hoại quan hệ Trung-Mỹ".
Trước đó một tuần, ông Davidson hối thúc chính quyền Biden giữ nguyên việc bán vũ khí, gọi vũ khí của Hoa Kỳ là “cực kỳ quan trọng” trong bối cảnh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bị cáo buộc xây dựng quân đội trong khu vực, gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và tàu chiến.
Vào đầu tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị kêu gọi Tổng thống Joe Biden “hiểu đầy đủ về tính nhạy cảm cao của vấn đề Đài Loan” và từ bỏ “các hành vi nguy hiểm là vượt qua ranh giới và đùa giỡn với lửa”.
Quan hệ Trung - Mỹ xuống mức thấp chưa từng thấy kể từ những năm 1970 dưới thời Donald Trump, với việc Tổng thống Đảng Cộng hòa phát động cuộc chiến thương mại chống lại Bắc Kinh vì các hoạt động kinh tế bị cáo buộc là “không công bằng” và sau đó cáo buộc Trung Quốc để đại dịch virus Corona lây lan khắp thế giới.
Thay vì tìm cách xoa dịu căng thẳng, chính quyền Biden đã hứa sẽ cứng rắn không kém, cáo buộc Bắc Kinh có chủ nghĩa phiêu lưu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vi phạm nhân quyền ở trong nước và tiếp tục duy trì quan điểm của người tiền nhiệm Donald Trump về các tuyên bố "thực tiễn thương mại không công bằng". Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ các tuyên bố và kêu gọi Washington không can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc.
Cùng với các hoạt động quân sự của Mỹ, Đài Loan đã báo cáo về việc quân đội Trung Quốc gia tăng các vụ vi phạm vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của họ trong những tháng gần đây, với việc Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được cho là đã triển khai hàng chục máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát và máy bay tác chiến điện tử đến khu vực trong những tuần gần đây.
Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai bướng bỉnh và hy vọng sẽ thấy hòn đảo này thống nhất với CHND Trung Hoa vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình, nhưng Đài Bắc chính thức tuyên bố chủ quyền toàn bộ Trung Quốc đại lục, cộng với Mông Cổ và các vùng lãnh thổ thuộc sang Nga, Tajikistan, Pakistan, Afghanistan, Nhật Bản, Ấn Độ, Bhutan và Myanmar. Đài Loan bị trục xuất khỏi Liên Hợp Quốc năm 1971, ghế của Liên Hợp Quốc được chuyển sang Trung Quốc.