Mỹ, Đức và Pháp nêu quan điểm về vấn đề công nhận Nhà nước Palestine
Mỹ, Đức và Pháp đều ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước và một nhà nước Palestine nên được hiện thực hóa thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên.
Ngày 22/5, Nhà Trắng nêu rõ Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng cần đạt được mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine thông qua đàm phán chứ không phải đơn phương công nhận.
Phát biểu sau khi Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy cho biết sẽ công nhận Nhà nước Palestine trong tháng này, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng nêu rõ Tổng thống Biden luôn ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước và ông cho rằng một Nhà nước Palestine nên được hiện thực hóa thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh sự ủng hộ của Berlin đối với giải pháp hai nhà nước.
Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định của một số nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ một nhà nước Palestine độc lập vẫn là mục tiêu vững chắc trong chính sách đối ngoại của Đức đồng thời nhấn mạnh cần có một quá trình đối thoại để đạt được mục tiêu đó.
Cùng ngày 22/5, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết Paris đánh giá các điều kiện để chính thức công nhận Palestine là một nhà nước vẫn chưa được đáp ứng.
Ông Sejourne chia sẻ: "Đây không chỉ là vấn đề mang tính biểu tượng hay vấn đề về lập trường chính trị mà còn là một công cụ ngoại giao cho giải pháp hai quốc gia cùng chung sống trong hòa bình và an ninh."
Ông cũng lưu ý Pháp không cho rằng các điều kiện cần thiết đã được đáp ứng để từ đó, việc quyết định công nhận nhà nước Palestine có thể tạo ra ảnh hưởng thực sự đối với tiến trình hòa bình hiện tại.
Trước đó, một nhóm quốc gia châu Âu gồm Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland đã thông báo về việc sẽ công nhận Nhà nước Palestine, với hy vọng điều này sẽ giúp mang lại hòa bình cho khu vực.
Quyết định này nhận được sự hoan nghênh từ chính quyền Palestine, phong trào Hồi giáo Hamas.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Jordan cũng đã hoan nghênh động thái mới của Ireland, Na Uy và Tây Ban Nha.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi tuyên bố: “Chúng tôi đánh giá cao quyết định này và coi đây là một bước quan trọng và thiết yếu hướng tới giải pháp hai nhà nước, thể hiện qua việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền với các đường biên giới xác định hồi tháng 7/1967."
Cho tới nay, đã có 8 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) gồm Slovakia, Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Romania và Thụy Điển công nhận Nhà nước Palestine./.