Xung đột Ukraine đang vào "chế độ lái tự động", đây là một tin xấu đối với Mỹ - chuyên gia Hugh De Santis, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao đã đưa ra nhận định trên ấn phẩm National Interest (NI).
Trong 8 tháng, Nga và Ukraine luôn trong tình trạng giao tranh. Không bên nào có ý định rút lui, tiến hành một trận chiến tiêu hao. Theo tác giả, sự trợ giúp của phương Tây đang kéo dài cuộc khủng hoảng một cách nguy hiểm, vốn là mối đe dọa đối với Mỹ.
Như chuyên gia De Santis nhấn mạnh, Mỹ và các đồng minh của họ đang tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga, bỏ qua thực tế rằng xung đột cục bộ ở Ukraine có thể lan rộng ra quy mô toàn cầu.
Trong khi đó, sự hỗ trợ quân sự được cung cấp cho Kyiv khiến Tổng thống Zelensky đủ tự tin đặt quyết tâm lấy lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất, bao gồm cả Crimea. Giờ đây, không dễ dàng để phương Tây tiết chế những mong muốn của Kyiv.
Nhưng bây giờ các chính trị gia phương Tây không vội làm điều này. Ông De Santis cho rằng đối với Washington, cuộc xung đột Ukraine cực kỳ quan trọng về mặt đạo đức để bảo tồn nền dân chủ. Do đó, họ có kế hoạch cung cấp vũ khí lâu dài.
“Những bước đi như vậy là cực kỳ nguy hiểm, không thể đoán trước hậu quả và nhiều khả năng làm suy yếu lợi ích ngắn hạn cũng như dài hạn", bài phân tích của tờ National Interest viết.
Mùa đông đang đến và Nga được cho là sẽ được hưởng lợi từ những thách thức kinh tế xã hội mà châu Âu phải đối mặt. Các cuộc biểu tình của công chúng sẽ gây áp lực lên chính quyền Pháp, Đức và Ý trong việc chấm dứt xung đột Ukraine.
“Điều này có thể thúc đẩy các quốc gia tại Liên hợp quốc, đặc biệt là ở châu Phi, bỏ phiếu trắng hoặc phản đối việc lên án những cuộc trưng cầu dân ý gần đây, yêu cầu tiến hành đàm phán ngừng bắn”, ấn phẩm NI cho biết.
Ngoài ra, việc cung cấp vũ khí thường xuyên cho Ukraine đang làm cạn kiệt nguồn dự trữ của Mỹ và các đồng minh ở châu Âu. Điều này khiến phương Tây dễ bị tổn thương trước một cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai với đối thủ khác.
Tuy nhiên, vấn đề chính đối với nước Mỹ chính là cuộc khủng hoảng Ukraine giờ đây có thể mở rộng thành một cuộc đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga.
“Nga và phương Tây hiện đang ở một điểm nghẽn. Để ngăn chặn tương lai như vậy, Tổng thống Joe Biden và các đồng minh châu Âu phải chuẩn bị tiến hành đàm phán giải quyết xung đột".
"Washington và các đồng minh phải thuyết phục Tổng thống Zelensky bắt đầu đàm phán để chấm dứt giao tranh đang diễn ra và công nhận rằng phương Tây có lợi ích an ninh ngoài Ukraine”, nhà báo De Santis viết.
Nhưng vị chuyên gia nhận xét, có ba lý do khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden không muốn thực hiện bước đi trên. Đầu tiên là Đảng Cộng hòa, đang sử dụng ý tưởng bắt đầu đàm phán để chống lại ông Biden và những người ủng hộ.
“Điều thứ hai là sai lầm của chính Tổng thống Biden: chính trị nhị phân chia thế giới thành các nền dân chủ và chuyên chế là khó chấp nhận”, tác giả lưu ý.
Lý do thứ ba là văn hóa trong chính sách đối ngoại, Mỹ đã quen với việc coi mình là một quốc gia cứu tinh đặt ra các quy tắc của thế giới.
"Tuy nhiên thời gian đó đã trôi qua và thế giới đang trở nên đa cực", nhà báo Hugh De Santis viết. Do vậy, rất khó để Washington quyết định đàm phán hòa bình và thừa nhận rằng mình không còn là nhà lãnh đạo thế giới.
Việt Dũng