Mỹ ghi nhận 4 triệu ca COVID-19 mới trong tháng 8/2021
Do biến thể Delta đang bùng phát, chỉ trong tháng 8/2021, nước Mỹ đã ghi nhận 4 triệu ca COVID-19 mới và hơn 32.000 trường hợp tử vong.
Theo trang worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 8/9 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 222.530.041 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.596.881 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 448.474 và 7.771 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân COVID-19 bình phục đã đạt 199.105.067 người, 18.828.093 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 104.684 ca nguy kịch.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 19/8/2021. Ảnh: THX
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 57.243 ca nhiễm mới; tiếp theo là Ấn Độ với 38.116 ca và Anh 37.489 ca. Nga đứng đầu về số ca tử vong mới với 795 trường hợp, tiếp theo là Indonesia 685 ca và Iran 635 ca.
Số liệu từ Đại học Johns Hopkins cho biết đến ngày 7/9, Mỹ đã ghi nhận 40 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 trong bối cảnh biến thể Delta đang bùng phát. Mỹ có hơn 648.000 trường hợp tử vong và đáng chú ý, chỉ trong tháng 8/2021, nước này đã ghi nhận 4 triệu ca nhiễm mới và hơn 32.000 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, trang worldometers ghi nhận, đến sáng 8/9 (theo giờ Việt Nam), số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt 41 triệu, bao gồm 667.924 ca tử vong.
Vẫn theo Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ trung bình 7 ngày trong tuần tính đến ngày 5/9 ở mức cao kể từ tháng 1/2021. Sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm COVID-19 mới xuất phát chủ yếu do biến thể Delta có khả năng lây lan cao gây ra, nhanh chóng đảo ngược những tiến bộ mà Mỹ đã đạt được trong việc chống lại đại dịch vào mùa hè.
Một số khu vực tại Mỹ đã thực hiện các biện pháp hạn chế mới do COVID-19 như quy định đeo khẩu trang đối với các cá nhân được tiêm chủng nhằm ngăn số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng. Ở một số khu vực, việc học tập phải tiến hành theo hình thức từ xa một phần hoặc hoàn toàn sau khi biến thể Delta bùng phát. Hơn 1.000 trường học trên khắp nước Mỹ đã phải đóng cửa do dịch bùng phát từ cuối tháng Bảy vừa qua.
Các chuyên gia y tế đã cảnh báo rằng số liệu chính thức về số ca nhiễm COVID-19 có thể thấp hơn thực tế do việc xét nghiệm hạn chế. Trong khi đó, ở cả cấp liên bang và tiểu bang, giới chức Mỹ đều kêu gọi mọi người đi tiêm chủng, tuy nhiên đến nay mới có 53% người Mỹ đã tiêm chủng đủ 2 mũi. Chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ đã chậm lại do tâm lý do dự và thờ ơ với vaccine trong một bộ phận lớn dân số ở quốc gia này.
Trước tình hình đó, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/9 sẽ trình bày bài phát biểu về kế hoạch ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng biến thể Delta của virus SARS-COV-2 và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Một quan chức Nhà Trắng ngày 7/9 cho hay, Tổng thống Biden sẽ đưa ra một chiến lược gồm 6 mũi nhọn ở tất cả các lĩnh vực công và tư.
Cùng ngày, Giám đốc Dữ liệu Nhà Trắng - Tiến sĩ Cyrus Shahpar thông báo 75% người Mỹ trưởng thành tiêm đã ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mới chỉ có 62% người Mỹ từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.
Tại Nhật Bản, dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu giảm nhiệt khi số ca mắc mới đã giảm xuống dưới ngưỡng 10.000 ca/ngày lần đầu tiên kể từ ngày 2/8. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản có thể vẫn gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế.
Mặc dù số ca mắc mới đang có xu hướng giảm nhưng giới chức y tế Nhật Bản vẫn cảnh giác do các biến thể nguy hiểm như Delta và Lambda đã xâm nhập nước này, trong khi hệ thống y tế ở một số khu vực vẫn đang trong tình trạng căng thẳng.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp ở vùng thủ đô trước khi biện pháp này hết hạn vào ngày 12/9. Hãng tin Jiji Press dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết sẽ khó dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và các tỉnh khác nằm trong vùng thủ đô. Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này vào ngày 9/9.
Hiện Nhật Bản đang áp dụng tình trạng khẩn cấp ở 21 trong số 47 tỉnh, thành, trong đó có 4 tỉnh, thành thuộc vùng thủ đô là Tokyo, Saitama, Chiba và Kanagawa.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP
Tại Iran, truyền thông nước này dẫn lời người đứng đầu Viện nghiên cứu vaccine và huyết thanh Razi, ông Ali Es’haghi, cho biết Iran bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và cũng là giai đoạn cuối của vaccine ngừa COVID-19 có tên Razi Cov Pars sản xuất trong nước.
Theo ông Ali, quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine Razi Cov Pars có hơn 40.000 tình nguyện viên tham gia. Dự kiến, sau khi hoàn tất thử nghiệm, Iran sẽ sản xuất khoảng 20 triệu liều vaccine Razi Cov Pars kể từ mùa Đông tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Iran Javad Sadati cho biết Viện nghiên cứu vaccine và huyết thanh Razi đã chuẩn bị sẵn 1,4 triệu liều vaccine Razi Cov Pars để triển khai tiêm chủng sau khi được Bộ Y tế phê duyệt khẩn cấp. Ngoài Razi Cov Pars, Iran cũng đang hợp tác với Cuba, Nga và Australia để sản xuất một số loại vaccine ngừa COVID-19 khác.
Bộ Y tế Iran cho biết sẽ nhập khẩu khoảng 40-50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong hai tháng tới. Iran hiện đang trải qua làn sóng COVID-19 thứ 5 và đã ghi nhận hơn 5,1 triệu ca mắc, trong đó có hơn 110.000 ca tử vong.