Mỹ ghi nhận bước đột phá mới về năng lượng hạt nhân
Các nhà khoa học Mỹ đã đạt được bước đột phá trong phản ứng tổng hợp hạt nhân, giúp khai phá nguồn năng lượng 'gần như vô tận, an toàn và sạch'.
Theo một bản tin trên Financial Times, một nhóm nhà khoa học Mỹ từ cơ sở National Ignition Facility (NIF), thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (California), đã giải phóng được 2,5 MJ năng lượng khi chỉ sử dụng 2,1 MJ đốt nóng nhiên liệu bằng tia laser.
Thông tin từ Financial Times chưa được NIF chính thức xác nhận. Song tiến sĩ Robbie Scott, thuộc Cơ sở Laser Trung tâm (CLF) của Hội đồng Cơ sở Khoa học và Công nghệ (STFC) và là người tham gia nghiên cứu, mô tả kết quả là "thành tựu quan trọng".
“Phản ứng tổng hợp hạt nhân có khả năng cung cấp nguồn năng lượng gần như vô tận, an toàn, sạch sẽ và không có carbon”, ông nói.
“Kết quả quan trọng từ NIF là minh chứng đầu tiên trong phòng thí nghiệm về phản ứng tổng hợp 'tăng năng lượng' - trong đó các chùm tia laser ban đầu tạo ra nhiều năng lượng nhiệt hạch hơn”, ông Scott cho biết thêm.
Để thực hiện phản ứng tổng hợp hạt nhân, các nhà khoa học bắn những nguyên tố nhẹ như hydro vào một dãy tia laser, nhằm giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ.
Theo Guardian, nếu được xác thực, kết quả mới nhất cho thấy bước đột phá lớn khi so với tỷ lệ giải phóng năng lượng 70% mà nhóm nghiên cứu đạt được vào năm 2021, và là minh chứng về phản ứng tăng năng lượng đầu tiên kể từ khi nghiên cứu về phản ứng tổng hợp hạt nhân bắt đầu vào những năm 1950.
Trước đó, Bộ Năng lượng Mỹ ngày 11/12 cho biết sẽ công bố "bước đột phá khoa học lớn" trong tuần này liên quan đến phản ứng tổng hợp hạt nhân, theo CBS.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh mặc dù kết quả thu được là một bằng chứng quan trọng, công nghệ này sẽ mất nhiều thời gian để trở thành trụ cột trong lĩnh vực năng lượng.
“Để biến kết quả của NIF thành cơ hội sản xuất điện năng vẫn còn rất nhiều việc phải làm”, tiến sĩ Scott cho biết.