Mỹ: Giá xăng tiếp tục giảm, lạm phát có thể đã đạt đỉnh
Giá xăng tại Mỹ đã giảm hơn 10% vào ngày 5/7 và giảm hơn 22% nếu tính từ tháng Sáu, làm dấy lên hy vọng rằng giá năng lượng tại quốc gia này có thể tiếp tục đi xuống. Trong khi đó, đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh và giá nhiều mặt hàng có thể sớm quay đầu giảm xuống.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm hơn 8% và giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm gần 10%.
Theo ông Patrick De Haan, Trưởng bộ phận phân tích xăng dầu tại trang web theo dõi giá xăng GasBuddy, Mỹ đang tiết kiệm nhiều hơn từ việc giá xăng giảm. Theo Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), mức giá trung bình của 1 gallon xăng (tương đương 3,78 lít) tại Mỹ hiện là 4,78 USD, giảm so với mức đỉnh gần đây là trên 5 USD/gallon. Một năm trước, mức giá trung bình tại Mỹ chỉ là 3,13 USD/gallon.
Giá dầu WTI dao động quanh mức 98 USD/thùng vào chiều 6/7, giảm so với mức khoảng 108 USD/thùng vào cuối tuần trước. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giảm xuống khoảng 101 USD/thùng từ mức 111 USD/thùng vào cuối tuần trước.
Trước đó, giá dầu Brent đã nhanh chóng giảm xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4/2022. Các chuyên gia cho biết họ kỳ vọng xu hướng này sẽ dẫn đến việc giảm giá xăng dầu trong thời gian tới.
Chuyên gia Marianne Kah, một học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia, kỳ vọng xu hướng giảm giá dầu thô sẽ giúp giá xăng giảm khoảng 12% - tương đương khoảng 60 xu - so với mức đỉnh của tháng trước. Tuy nhiên, bà Kah cũng cho rằng cần có thời gian để sự hạ nhiệt giá dầu thô được phản ánh trong giá xăng.
Trong khi đó, ông De Haan cho rằng người tiêu dùng có thể chứng kiến một sự sụt giảm khác trong những tuần tới, đồng thời nhấn mạnh rằng mức giảm có thể kéo dài trong khoảng thời gian từ 3-6 tuần, trong đó giá có thể giảm 1- 2 xu Mỹ mỗi ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự sụt giảm này là “con dao hai lưỡi” vì giá rẻ không phải do sự thay đổi thực sự từ phía nguồn cung, mà là do người tiêu dùng thu hẹp chi tiêu và kéo giảm kỳ vọng về nhu cầu.
Ông Phil Flynn, chuyên phân tích thị trường năng lượng của PRICE Futures Group, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng giá xăng sẽ tiếp tục giảm và người tiêu dùng thay vì phải trả 5 USD/gallon có thể chỉ trả 4,8 USD/gallon, sau khi đã phải chịu nhiều tác động từ việc tăng giá nhiên liệu tại Mỹ.
Tuy nhiên, bà Kah cũng cho biết vẫn có những yếu tố có thể làm tăng giá năng lượng trong những tháng tới, bao gồm cả việc Nga giảm sản lượng dầu hoặc nhu cầu của Trung Quốc tăng lên.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn trong tuần này lại đưa ra nhận định rất khác nhau về triển vọng của giá dầu. Trong khi ngân hàng JP Morgan dự đoán giá “vàng đen” có thể tăng cao lên tới 380 USD/thùng trong kịch bản khắc nghiệt nhất nếu Nga giảm sản lượng, thì ngân hàng Citibank cho rằng nếu suy thoái tại Mỹ xảy ra, giá dầu có thể giảm xuống 65 USD/thùng trong năm nay và 45 USD/thùng trong năm tới.
Mặc dù vậy, theo ông De Haan, những dự báo trên chỉ làm nổi bật sự biến động và thậm chí là sự khác biệt trong suy nghĩ, không biết mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào khi nước Mỹ vẫn còn phải đối mặt với mùa bão hàng năm.
Các chuyên gia phân tích đồng ý rằng việc giá xăng dầu tại Mỹ có xu hướng giảm hiện tại phần lớn là do lo ngại suy thoái, trong đó bà Kah nhấn mạnh rằng có thể do tất cả các đợt tăng lãi suất. Với mức tăng lãi suất lớn, kỳ vọng về một cuộc suy thoái đã tăng lên. Hoạt động kinh tế giảm đồng nghĩa với khả năng suy thoái trong năm tới ngày càng hiện hữu.
Một mô hình kinh tế của Bloomberg ước tính khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023 là 38%. Các chuyên gia cho rằng giá dầu thô giảm còn do kỳ vọng về nhu cầu năng lượng của người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm khi họ điều chỉnh tiêu dùng theo mức lạm phát cao.
Đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh và giá có thể sớm quay đầu giảm đối với một loạt các lĩnh vực và danh mục, đặc biệt là giá hàng hóa đã giảm trong vài ngày gần đây.
Nhà phân tích Jim Reid của Deutsche Bank đã viết cùng với các nhà phân tích Henry Allen và Tim Wessel trong một lưu ý gửi tới các nhà đầu tư rằng “chỉ số hàng hóa của Deutsche Bank kéo dài 20 ngày hiện đang chứng kiến mức giảm lớn thứ ba trong 90 năm. Giá đồng là một ‘nạn nhân’ khác của xu hướng này, khi giảm tới 5,36% vào ngày 5/7 xuống mức thấp nhất trong 19 tháng, trong khi lúa mỳ (-4,61%) đang được giao dịch ở dưới mức trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine”.
Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nhiều cửa hàng bán lẻ lớn như Walmart, Target và Bed Bath & Beyond đã phải đối phó với tình trạng dư thừa hàng tồn kho và họ có thể buộc phải tiếp tục giảm giá hoặc thanh lý.
Các số liệu so sánh hàng tồn kho với doanh số bán hàng cho thấy rằng mặc dù xu hướng giá tiêu dùng có thể giảm, nhưng vấn đề chuỗi cung ứng tắc nghẽn dẫn đến lạm phát vẫn chưa thể được giải quyết hoàn toàn.