Hải quân Mỹ ngày 11/4 công bố bức ảnh được chụp hồi đầu tháng 4 tại biển Hoa Đông, cho thấy khu trục hạm tên lửa USS Mustin đi song song với tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Trên boong tàu Mustin, hạm trưởng Robert Briggs và phó hạm trưởng Richard Slye quan sát chiến hạm Trung Quốc di chuyển cách tàu khu trục Mỹ vài nghìn mét.
Bức ảnh nói trên được chụp vào ngày 5-4-2021 ở biển Hoa Đông, cho thấy thuyền trưởng khu trục hạm USS Mustin Robert J Briggs cùng cấp phó Richard D Slye theo dõi tàu sân bay Liêu Ninh thuộc quân đội Trung Quốc (PLA) từ khoảng cách vài ngàn mét, theo tờ South China Morning Post.
Bức ảnh được công bố cùng ngày truyền thông Trung Quốc đưa tin tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu hộ tống tiến vào Biển Đông, nơi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt đang hoạt động.
Giới chuyên gia nhận định bức ảnh này được hải quân Mỹ công bố nhằm gửi thông điệp "xem thường" tàu sân bay Trung Quốc.
"Bức ảnh này là một dạng 'chiến tranh nhận thức', cho thấy Mỹ không coi quân đội Trung Quốc là mối đe dọa tức thời", Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện phòng vệ trên biển Đài Loan ở Cao Hùng, cho biết.
"Trong ảnh, hạm trưởng Briggs trông rất thoải mái khi ngồi gác chân nhìn chiến hạm Liêu Ninh chỉ cách đó vài nghìn mét, trong khi cấp phó của ông ngồi cạnh. Điều này cho thấy họ xem thường hải quân Trung Quốc",
Chu Thần Minh, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nhận định bức ảnh cho thấy chiến hạm Mỹ "giữ khoảng cách rất an toàn" khi đi song song với tàu sân bay Liêu Ninh. "Cả hai bên đều hiểu rằng có khoảng cách lớn giữa nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc".
Tổng biên tập tạp chí Kanwa Defense Review Andrei Chang cho biết, bức ảnh là "lời cảnh báo với quân đội Trung Quốc" rằng Mỹ nắm trong lòng bàn tay về mọi di biến động của nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh.
Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết Mỹ gần đây tăng cường điều chiến hạm cùng máy bay tới biển Hoa Đông và Biển Đông.
SCSPI cho biết khu trục hạm Mustin tới vùng biển ngoài khơi cửa sông Trường Giang hôm 3-4 -2021và bám theo nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh tới biển Hoa Đông và Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản được cho là đã điều khu trục hạm JS Suzutsuki cùng hai máy bay tuần tra đi theo giám sát nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh khi các chiến hạm này đi qua giữa đảo Okinawa và đảo Miyako ngày 3/4.
Tàu sân bay Liêu Ninh được hộ tống bởi khu trục hạm hạng nặng Nam Xương, thuộc lớp Type 055 được đánh giá là tiên tiến nhất của Trung Quốc, cùng hai khu trục hạm phòng không Type-052D, một hộ vệ hạm Type-054A và một tàu hậu cần Type-901.
Liêu Ninh là một tàu sân bay được Trung Quốc mua lại từ Ukraina khi chưa hoàn thiện. Tàu Liêu Ninh được biên chế vào hạm đội tàu hải quân Trung Quốc năm 2012 và bắt đầu các sứ mệnh trên biển 4 năm sau đó, đưa Trung Quốc vào nhóm 11 nước có hàng không mẫu hạm, bao gồm cả Mỹ, Nga, Pháp và Anh.
Tàu sân bay vốn được xem là thứ vũ khí bá chủ trên đại dương, là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó. Chính vì vậy, Trung Quốc coi tàu sân bay Liêu Ninh là niềm tự hào của Lực lượng Hải quân bởi đây là lần đầu tiên nước này được sở hữu một chiếc siêu tàu chiến như vậy.
Trái với những phát biểu đầy tự hào của giới quan chức Trung Quốc, các chuyên gia quân sự nước ngoài lại đang hoài nghi về sức mạnh thực sự của tàu sân bay Liêu Ninh.
Hiện nay trang bị chủ yếu trên tàu là tiêm kích hạm J-15, bản sao chép từ tiêm kích Su-33 Liên Xô.
Giới phân tích chỉ ra rằng, tàu sân bay Liêu Ninh mang ý nghĩa về phô trương sức mạnh hơn là khả năng thực chiến.
Sẽ cần rất nhiều thời gian nữa Trung Quốc mới có thể đuổi kịp Nga. Mỹ, Anh và Pháp về khả năng vận hành tàu sân bay.
Việt Hùng