Mỹ gửi tín hiệu mới đến Hà Lan, Nhật Bản; quyết ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến
Ngày 6/3, hãng tin Bloomberg đưa tin, chính phủ Mỹ đã yêu cầu nhà sản xuất thiết bị chip bán dẫn ASML của Hà Lan không được cung cấp dịch vụ như sửa chữa, bảo trì các trang thiết bị đã bán cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ cũng đang hạn chế các công ty Nhật Bản - trong đó có hãng sản xuất vật liệu hóa chất JSR - không được xuất khẩu cho Trung Quốc mặt hàng chất cản màu, một vật liệu trọng tâm trong sản xuất chip bán dẫn.
Các nguồn thạo tin cho hay, Tokyo và Amsterdam muốn đánh giá tác động của các biện pháp hạn chế hiện tại trước khi xem xét các hành động cứng rắn hơn.
Kể từ sau khi thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với Trung Quốc, Mỹ đã gây sức ép với cả Nhật Bản và Hà Lan - hai quốc gia sản xuất trang thiết bị chíp bán dẫn chủ chốt, không được xuất khẩu cho Bắc Kinh.
Hai quốc gia này cũng đang tăng cường kiểm soát xuất khẩu sang Bắc Kinh từ năm ngoái.
Ngoài ra, Washington cũng mong muốn có thêm nhiều nước công nghiệp chíp bán dẫn lớn khác, trong đó có Đức và Hàn Quốc, tham gia vào hàng ngũ kiểm soát xuất khẩu sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thời gian qua, các quan chức Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về khả năng của Trung Quốc trong việc sử dụng chip tiên tiến và bộ vi xử lý mạnh mẽ mà chúng hỗ trợ cho quân đội đang phát triển nhanh chóng của nước này.
Ngoài nỗ lực to lớn và tốn kém nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện một số bước để cố gắng ngăn chặn công nghệ tiên tiến nhất lọt vào tay Trung Quốc.
Washington đã đưa ra các hạn chế đối với các chip điện toán tiên tiến nhất được sử dụng cho trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị sản xuất chip vào năm 2022 với mục đích ngăn chặn khả năng sản xuất và phát triển chất bán dẫn tiên tiến giúp tăng cường năng lực quân sự của Bắc Kinh.
Danh sách hạn chế kể từ đó đã được mở rộng và một số công ty công nghệ Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen.