Mỹ - Hàn: Củng cố quan hệ đồng minh
Mỹ và Hàn Quốc vừa đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để sắp xếp lại việc chia sẻ chi phí, cho phép quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, còn gọi là Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA). Thỏa thuận này nếu hoàn tất sẽ khép lại cuộc đối đầu về chi phí quân sự giữa hai nước trong hơn một năm qua, đồng thời giúp củng cố mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Jeong Eun-bo (trái) và người đồng cấp Mỹ Donna Welton (phải) tại cuộc đàm phán về chia sẻ chi phí quân sự mới ở Washington (Mỹ).
Sau 3 ngày đàm phán tại Washington (Mỹ), ngày 8-3, Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Jeong Eun-bo và người đồng cấp Mỹ Donna Welton đã đạt được một thỏa thuận công bằng về chia sẻ chi phí đồn trú của 28.500 binh sĩ các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. Đây là vòng đàm phán thứ 9 nhằm đưa ra một SMA mới giữa hai nước này. Dù chi tiết văn kiện không được cung cấp nhưng Mỹ cho biết, SMA mới có hiệu lực trong 6 năm, theo đó, khoản đóng góp của Hàn Quốc cho sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ tăng khoảng 13%, theo "mức tốt nhất" mà Seoul đề nghị năm 2020.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định, Chính phủ nước này quyết tâm ký một thỏa thuận nhanh chóng để giải quyết khoảng trống đã kéo dài hơn một năm. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bản thỏa thuận đã phản ánh cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc hồi sinh, hiện đại hóa các liên minh nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng chung.
Hàn Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á. Seoul bắt đầu chia sẻ chi phí quân sự cho sự hiện diện của quân đội Mỹ vào đầu những năm 1990, sau khi xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh. Hai nước đã ký hiệp ước phòng thủ chung, tạo cơ sở cho việc đóng quân của lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), bao gồm các chi phí thuê người Hàn Quốc làm việc cho USFK, xây dựng các cơ sở quân sự, hỗ trợ hậu cần và chi phí để duy trì 28.500 binh sĩ USFK tại quốc gia Đông Bắc Á này. Trước đây, Hàn Quốc và Mỹ quy định thời hạn hiệu lực của SMA là 5 năm. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ tiền lệ này, yêu cầu Seoul tăng mạnh mức đóng góp và rút ngắn thời hạn hiệu lực SMA xuống còn một năm.
Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu đàm phán chia sẻ chi phí quân sự quốc phòng từ tháng 9-2019, nhưng các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc do Tổng thống D.Trump lúc đó đòi tăng 400% mức đóng góp của Hàn Quốc. "Phí bảo vệ" với con số cao ngất ngưởng mà Washington đưa ra khiến Seoul khó có thể chấp thuận một cách dễ dàng. Tháng 4-2020, Hàn Quốc đề xuất mức tăng 13% chi phí quân sự chung song ông D.Trump đã phản đối vào phút chót, khiến tiến trình đàm phán bị sụp đổ. Sự thay đổi lập trường của chính quyền Mỹ chủ yếu xuất phát từ quan điểm cứng rắn của ông D.Trump, người luôn chỉ trích các đồng minh chưa đóng góp tương xứng cho việc duy trì lực lượng đồn trú của Mỹ. Trong khi đó, Seoul giữ nguyên quan điểm mức tăng phải nằm trong phạm vi có thể chấp nhận được.
Kể từ khi trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Joe Biden luôn nhấn mạnh lập trường tăng cường mối quan hệ với các nước đồng minh sau 4 năm căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm D.Trump. Các quốc gia đồng minh tiếp tục được chính quyền Mỹ coi là tiền đồn chiến lược để Mỹ duy trì vai trò ảnh hưởng trong khu vực. Hàn Quốc cũng vẫn là “chiếc neo chiến lược” đối với sự có mặt của Mỹ ở Đông Bắc Á...
Washington luôn khẳng định rằng, quan hệ đồng minh với Seoul có vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Bắc Á, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và toàn thế giới. Do đó, việc Mỹ và Hàn Quốc nhanh chóng đạt thỏa thuận chia sẻ "phí bảo vệ" nằm trong mục tiêu khôi phục quan hệ đồng minh và "trở lại trật tự bình thường" của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/993172/my---han-cung-co-quan-he-dong-minh