Mỹ - Hàn Quốc hoãn diễn tập quân sự chung: Nỗ lực xây dựng lòng tin

Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình với Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định hoãn diễn tập không quân chung vào cuối tháng này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, đây không phải là sự nhượng bộ mà là hành động thiện chí nhằm thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin để tiến tới hòa bình.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (bên phải) và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo công bố quyết định hoãn tập trận chung ngày 17-11.

Washington và Seoul đã lên kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận không quân chung vào cuối tháng 11, đặt tên là "Sự kiện huấn luyện bay kết hợp". Đây là phiên bản thu nhỏ của các cuộc diễn tập vào mùa đông giữa hai nước mang tên Vigilant Ace. Ngay khi thông báo được đưa ra, Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên đã lập tức tuyên bố sẽ có hành động “đáp trả trước bất cứ động thái đe dọa tới chủ quyền và an ninh quốc gia” nếu quân đội Mỹ - Hàn vẫn tiến hành diễn tập. Đây là động thái gây nhiều chú ý vì từ trước tới nay, cơ quan tối cao do Chủ tịch Kim Jong-un đứng đầu hiếm khi đưa ra những tuyên bố như vậy. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng hứa hủy bỏ các hoạt động tập trận chung với Hàn Quốc tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ở Singapore hồi tháng 6-2018. Kể từ đó tới nay, tần suất các cuộc tập trận giữa hai quốc gia đồng minh này đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, một số cuộc diễn tập nhỏ nhằm duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu vẫn diễn ra và thường nhận được sự phản ứng gay gắt từ Bình Nhưỡng.

Thực tế, đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên đang lâm vào bế tắc bất chấp nhiều nỗ lực đàm phán giữa hai bên nhằm tìm tiếng nói chung. Quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi sau khi Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 2-2019 không mang lại kết quả cụ thể nào. Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và cung cấp các bảo đảm an ninh, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Song, phía Mỹ nhấn mạnh muốn nhìn thấy những bước phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng trước khi có bất cứ quyết định gì. Cuộc gặp cấp chuyên viên giữa hai nước tại Stockholm (Thụy Điển) hồi tháng 10-2019 cũng đã sụp đổ và Bình Nhưỡng liên tục cáo buộc Washington có cách tiếp cận không phù hợp, cảnh báo quan hệ song phương "có thể kết thúc ngay lập tức". Triều Tiên cũng nhiều lần phóng thử tên lửa từ đầu năm khiến dư luận lo ngại về sự tan vỡ của tiến trình đối thoại. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng đặt ra hạn chót đến cuối năm nay để Mỹ đưa ra những đề xuất hợp lý hơn trên bàn đàm phán.

Vì thế, tuyên bố cứng rắn về cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vừa đưa ra được xem là động thái tiếp theo của Bình Nhưỡng để gia tăng sức ép, buộc Mỹ phải thay đổi lập trường. Đặc biệt, từ giờ cho đến cuối năm sau là thời điểm nhạy cảm với Tổng thống D.Trump khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần. Nhiều ý kiến cho rằng, Triều Tiên muốn tận dụng thời cơ này với hy vọng ông D.Trump có thể dễ dàng nhượng bộ trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng nhằm “ghi điểm” với cử tri.

Trong khi đó, một số nguồn tin Mỹ cho biết đã xuất hiện trở lại các hoạt động tại khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Do vậy, việc Mỹ và Hàn Quốc quyết định dừng tập trận là bước đi tích cực, giúp hạ nhiệt tình hình và mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên Kim Myong-gil cho biết, phía Mỹ đã đề xuất một cuộc gặp cấp chuyên viên vào tháng 12 tới. Ngày 17-11, Tổng thống D.Trump cũng đã hối thúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un "hành động nhanh" để đạt được một thỏa thuận về việc dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Dẫu bầu không khí căng thẳng đã dịu bớt, nhưng việc dừng một cuộc tập trận Mỹ - Hàn chưa thể là sự kiện mang tính đột phá và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn cần những cam kết, hành động quyết liệt hơn để có thể đạt mục tiêu cuối cùng.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/950732/my---han-quoc-hoan-dien-tap-quan-su-chung-no-luc-xay-dung-long-tin