Mỹ - Hàn tuyên bố tập trận phòng thủ nhưng diễn tập tấn công đổ bộ

Trong khi Triều Tiên tăng cường thử nghiệm tên lửa và tiết lộ đầu đạn hạt nhân mới, quân đội Mỹ cùng Hàn Quốc đã tập trận tấn công đổ bộ trên một bãi biển.

Triều Tiên đã và đang xây dựng kho vũ khí tên lửa đạn đạo với tiền đề nước này từng tuyên bố là ngăn chặn một cuộc tấn công của lực lượng Mỹ và Hàn Quốc.

Washington và Seoul cũng đang thể hiện hỏa lực của mình thông qua ngày càng nhiều cuộc tập trận. Tất cả đều được hai nước nhấn mạnh là mang tính chất phòng thủ.

Nhưng vào sáng 29/3, họ đã huy động hàng nghìn quân và vũ khí tối tân để diễn tập một cuộc đổ bộ, một cuộc tấn công cơ động về bản chất và được thiết kế để chiếm lãnh thổ, chứ không phải đề phòng thủ, theo CNN.

Dù vậy, chỉ huy của 2.200 lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia cuộc tập trận Ssangyong ở Pohang trên bờ biển phía nam Hàn Quốc nói rằng những gì đang diễn ra không mang tính khiêu khích.

“Tôi không nghĩ chúng tôi đang làm điều gì khác biệt hay kỳ quặc”, đại tá Samuel Meyer, chỉ huy Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến số 13 cho biết.

 Thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận đổ bộ Ssangyong tại Pohang, Hàn Quốc, vào ngày 29/3. Ảnh: Reuters.

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận đổ bộ Ssangyong tại Pohang, Hàn Quốc, vào ngày 29/3. Ảnh: Reuters.

“Bất cứ lúc nào, bất cứ đâu”

Cuộc tập trận đã phô diễn toàn bộ hỏa lực tổng hợp của các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc.

Thủy quân lục chiến của Seoul đã lên bờ đầu tiên trong các đợt diễn tập phương tiện tấn công nặng 23 tấn đổ bộ. Dấu vết của họ để lại những vết lằn sâu trên bãi cát Pohang.

Khi quân đội Hàn Quốc di chuyển đến một hàng cây phía sau bãi biển, tàu đổ bộ đệm khí của Hải quân Mỹ, được gọi là LCAC, theo sau, với các phương tiện đổ bộ 8 bánh có biệt danh như “Rooster”, “Cerberus” và “Ghost”.

Trên bầu trời là các máy bay trực thăng tấn công, máy bay vận tải Osprey và máy bay chiến đấu tàng hình F-35B. 10 chiếc trong số đó đã đáp xuống tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island, ẩn nấp cách bờ biển khoảng 48 km.

“Đây là lần kỷ niệm 70 năm cuộc tập trận này. Điều đó không mới”, ông Meyer nói, bác bỏ tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng Washington và Seoul đang khiêu khích và buộc Triều Tiên xây dựng chương trình hạt nhân để răn đe.

“Đây là thông lệ. Chúng tôi chỉ đang quay trở lại với công việc thường ngày, dựa trên những gì chúng tôi đã thấy và trải nghiệm”, đại tá Mỹ cho hay.

Nhưng dường như ít có thông lệ trên bán đảo Triều Tiên hoặc ở vùng Đông Á rộng lớn hơn vào năm 2023.

Khi ông Meyer nói chuyện với các phóng viên trên tàu USS Makin Island 45.000 tấn vào hôm 28/3, một tàu sân bay 98.000 tấn của Hải quân Mỹ, USS Nimitz, cũng đang tiến hành các hoạt động ngoài khơi bán đảo.

Gần bãi biển Pohang hơn, người ta có thể thấy ít nhất 6 tàu hải quân Hàn Quốc đang hỗ trợ đưa binh lính lên bờ tham gia cuộc tập trận Ssangyong.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong Un thị sát chương trình vũ khí hạt nhân và kêu gọi các lực lượng nước này có thể sử dụng chúng “bất cứ lúc nào và bất cứ đâu”.

 Triều Tiên bắn tên lửa ở một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên bắn tên lửa ở một địa điểm không được tiết lộ. Ảnh: KCNA.

Cuộc tập trận đổ bộ mang tính biểu tượng

Cuộc tập trận Ssangyong đã không được triển khai trong 5 năm, ban đầu là do ngoại giao bị gián đoạn và sau đó do đại dịch Covid-19.

Nhưng trong năm qua, Bình Nhưỡng đã thử tên lửa đạn đạo với tốc độ kỷ lục, trong khi ông Kim ra lệnh diễn tập cuộc tấn công hạt nhân vào các mục tiêu ở Hàn Quốc.

AP đánh giá khu vực này đang trở nên căng thẳng hơn khi tốc độ các vụ thử vũ khí của Triều Tiên, cùng những cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn Quốc, gia tăng trong chu kỳ “ăn miếng trả miếng”.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên leo thang kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không đạt được thỏa thuận sau 3 cuộc gặp giữa hai bên, lần gần đây nhất vào năm 2019.

Kể từ đó, ông Kim đã tăng cường chương trình tên lửa đạn đạo của mình. Năm ngoái, các vụ thử nghiệm vũ khí này diễn ra trung bình hơn 3 lần/tháng.

Các vụ phóng thử tiếp tục trong năm nay, với việc Bình Nhưỡng gần đây nhất đã thử nghiệm tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Triều Tiên cũng vừa tiết lộ đầu đạn hạt nhân mới trong chuyến thăm Viện Vũ khí Hạt nhân của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. KCNA tiết lộ các đầu đạn hạt nhân mới, nhỏ gọn, uy lực hơn, đồng thời cho biết Triều Tiên sẽ sản xuất thêm vật liệu hạt nhân cấp độ vũ khí.

 Ông Kim Jong Un xuất hiện trong những bức ảnh được truyền thông nhà nước mô tả là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh: KCNA.

Ông Kim Jong Un xuất hiện trong những bức ảnh được truyền thông nhà nước mô tả là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh: KCNA.

Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên ngày 24/3 cho biết nước này đã thử nghiệm hệ thống tấn công hạt nhân dưới nước mới có thể tạo ra “cơn sóng thần phóng xạ”.

Hoạt động quân sự ngày càng tăng không chỉ ở phía bắc của khu phi quân sự.

Bán đảo Triều Tiên đã trở thành điểm nóng của các hoạt động quân sự trong phần lớn năm nay và đặc biệt là trong tháng vừa qua, khi lực lượng Mỹ và Hàn Quốc tập trận “Chiến dịch Lá chắn Tự do”. Đây là cuộc tập trận quân sự mùa xuân lớn nhất giữa hai đồng minh kể từ năm 2018.

Cuộc tập trận đổ bộ chung mới, Ssangyong, diễn ra từ ngày 23/3 đến 3/4. Đây cũng là cuộc tập trận đổ bộ Hàn Quốc - Mỹ có quy mô lớn nhất trong nhiều năm, theo Reuters.

 Các phương tiện đổ bộ tấn công của Thủy quân lục chiến Hàn Quốc (KAAV) tham gia cuộc tập trận. Ảnh: Reuters.

Các phương tiện đổ bộ tấn công của Thủy quân lục chiến Hàn Quốc (KAAV) tham gia cuộc tập trận. Ảnh: Reuters.

Việc xem xét lại lịch sử có thể lý giải một phần tại sao cuộc diễn tập đổ bộ mới làm tăng nhiệt ở Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây.

Trận chiến Incheon năm 1950 được coi là một trong những cuộc tấn công đổ bộ gây chú ý nhất trong lịch sử quân sự.

Trong cuộc giao chiến đó, các tàu chiến của Mỹ và đồng minh đã bắn phá cảng Incheon do Triều Tiên chiếm giữ trong hai ngày, trước khi Thủy quân lục chiến Mỹ xông vào bờ tại 3 bãi biển cách 177 km phía sau phòng tuyến Triều Tiên, nhằm buộc quân đội Bình Nhưỡng rời khỏi thủ đô Seoul của Hàn Quốc.

Một đầu cầu nhanh chóng được thiết lập và chưa đầy hai tuần sau, với sự phối hợp của Hàn Quốc và các lực lượng khác của Mỹ tấn công từ phía nam, Seoul đã trở lại tay đồng minh.

Sự hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc cuối cùng mang lại mối quan hệ quân sự như trên bán đảo ngày nay.

Các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ hiện rải rác ở Hàn Quốc. Trong số đó bao gồm Trại Humphreys, cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ bên ngoài nước này với hơn 36.000 quân nhân, nhân viên dân sự, nhà thầu cùng gia đình.

Tháng 10/2022, Triều Tiên đã diễn tập quy trình có thể bắt đầu một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật vào “các cơ sở chỉ huy quân sự chính của kẻ thù”, theo KCNA.

Các chỉ huy Mỹ cho rằng những đe dọa đó là lý do chính khiến cuộc tập trận như Ssangyong trở nên cần thiết.

“Chúng ta phải chuẩn bị cho bất kỳ thay đổi nào có thể xảy ra… xây dựng mối quan hệ bền vững và liên minh mạnh mẽ đó sẽ giúp đề phòng cho bất kỳ thay đổi nào mà chúng ta không thể kiểm soát”, ông Meyer nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-han-tuyen-bo-tap-tran-phong-thu-nhung-dien-tap-tan-cong-do-bo-post1416505.html