Mỹ hiện đại hóa triệt để chiến đấu cơ F-15EX
Một nguyên mẫu máy bay tấn công hạng nặng F-15EX - hiện đại hóa sâu từ dòng F-15, đã được thử nghiệm thành công tại Mỹ. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng đối với tổ hợp công nghiệp quân sự nước này - loạt máy bay F-15 cuối cùng được đưa vào biên chế đã gần 20 năm trước.
Nguyên mẫu của máy bay chiến đấu mới (những chiếc phiên bản đầu tiên sử dụng từ năm 1976), cất cánh lên không trung từ căn cứ không quân ở bang Missouri vào đầu tháng Hai. Chuyến bay kéo dài 90 phút và không có bất kỳ lỗi lầm nào. Cuối tháng 3, Không quân Mỹ sẽ nhận được hai chiếc máy bay loại này để thử nghiệm thêm, và tổng cộng, Bộ quốc phòng Mỹ dự định sẽ đặt hàng khoảng 200 chiếc F-15EX từ năm 2023 đến năm 2030, tiêu tốn ngân khoản 23 tỷ đô la Mỹ.
Chuyến bay đầu tiên thành công chứng tỏ máy bay đã an toàn và sẵn sàng phục vụ trong không quân đất nước, - Phó Chủ tịch công ty Boeing Prat Kumar nói với các phóng viên, - F-15EX sử dụng những thành tựu mới nhất trong hệ thống điều khiển, cảm biến, vũ khí, thiết bị điện tử. Đây là loại máy bay hoàn toàn mới, khác biệt đáng kể so với các phiên bản trước đó”.
Máy bay mới là phát triển tiếp theo từ F-15E Strike Eagle 2 chỗ ngồi, được thiết kế để giành ưu thế trên không và tấn công các mục tiêu mặt đất. Các thiết bị hiện đại trên máy bay dựa trên kiến trúc Open Mission Systems (Hệ thống Nhiệm vụ Mở), giúp dễ dàng tích hợp các công nghệ tiên tiến.
Máy bay sẽ có hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ, buồng lái cải tiến thuận tiện và radar Raytheon AN / APG-82 với dải ăng ten hoạt động theo giai đoạn. Hai động cơ GE-F110-129 hiệu suất cao cho phép tăng trọng tải máy bay thêm 3 tấn (lên đến 13,4 tấn). F-15EX dự kiến mang theo 22 quả tên lửa không đối không hoặc tên lửa siêu thanh trọng lượng 3 tấn.
Như vậy, Bộ quốc phòng Mỹ cố gắng cung cấp cho những máy bay khá cũ kỹ này khả năng tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu được bảo vệ bằng các hệ thống phòng không hiện đại. Hiện Mỹ đang phát triển 3 loại tên lửa siêu thanh phóng từ trên không - dự án TBG, HAWC và ARRW. Các sản phẩm này sẽ đi vào sản xuất hàng loạt không sớm hơn năm 2024 — 2025, và F-15EX có khả năng trang bị cả 3 loại tên lửa này.
Quyết định nối lại sản xuất máy bay thế hệ thứ tư của Mỹ được đưa ra cách đây 2 năm. Máy bay chiến đấu F-15 đã không được chuyển giao cho Không quân kể từ năm 2001 và máy bay F-16 hạng nhẹ - từ năm 2004. Lầu Năm Góc tin tưởng vào F-35 Lightning hiện đại và "tối tân" hơn. Nhưng chương trình này bị đình trệ: "F-35" mắc nhiều "bệnh trẻ em", và giá thành thì không ngừng tăng lên. Thành ra còn quá sớm để các "cựu binh" về nghỉ hưu.
Không quân và Vệ binh Quốc gia Mỹ hiện có khoảng 230 máy bay chiến đấu F-15C và F-15D đã lỗi thời. Bộ quốc phòng Mỹ còn có thêm 219 chiếc F-15E "mới" hơn, nhưng cũng thua kém về tính năng các phương tiện thế hệ "4++" của Nga: máy bay cường kích Su-34 và tiêm kích Su-35 đa dụng cơ động cao.
Đây không phải là lần đầu tiên Lầu Năm Góc cố gắng thổi sức sống mới vào F-15. Cuối những năm 2000, tập đoàn Boeing giới thiệu một mẫu thử nghiệm máy bay chiến đấu Silent Eagle F-15SE. Các kỹ sư cố gắng nâng cấp chiếc máy bay lỗi thời lên thế hệ thứ 5: sử dụng vật liệu hấp thụ sóng vô tuyến, vũ khí giấu trong thân máy bay, giống như trên F-35 và F-22, thay đổi các góc cạnh. Máy bay được trang bị tổ hợp tác chiến điện tử mới, hệ thống điều khiển kỹ thuật số, có thể mang theo 2 tên lửa không đối không tầm trung, 2 quả bom dẫn đường JDAM hoặc 4 quả JDAMS.
Phiên bản này chủ yếu để dành cho xuất khẩu. Mức giá 100 triệu đô la Mỹ một chiếc được cho là hấp dẫn. "Đại bàng im lặng" (F-15SE Silent Eagle) được chuyển giao cho Israel, Ả rập Saudi, Nhật Bản, Hàn Quốc, những quốc gia đã quen thuộc với việc sử dụng F-15. Tuy nhiên, quân đội những nước này lại thích F-35 hiện đại hơn. Do đó, chương trình Silent Eagle bị đình chỉ, chỉ có một chiếc nguyên mẫu được chế tạo.