Mỹ hiến kế hạ nhiệt căng thẳng Trung Quốc - Lithuania
Trang The Financial Times dẫn nguồn thạo tin tiết lộ giới ngoại giao Mỹ đề xuất ý tưởng đổi tên Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania thành Văn phòng đại diện Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc như thông lệ.
Theo các nguồn tin, quyết định chọn tên “Văn phòng đại diện Đài Loan” khiến Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện hoạt động chèn ép, làm suy yếu việc mở rộng quan hệ với đảo tự trị.
Ngày 18.11.2021, Văn phòng đại diện Đài Loan tại Lithuania chính thức mở cửa. Phía Đài Loan tuyên bố đây là động thái giúp mở ra chương mới cho quan hệ hợp tác với Lithuania đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ.
Trung Quốc trả đũa bằng cách chặn nhập khẩu từ Lithuania và cảnh báo các công ty châu Âu - chẳng hạn như hãng sản xuất phụ tùng ô tô Continental - không dùng linh kiện xuất xứ Lithuania.
Trước thông tin từ The Financial Times, Nhà Trắng lên tiếng phủ nhận: “Bất cứ việc đưa ra đề xuất khác biệt nào đều không phản ánh đúng những gì Mỹ và Lithuania trao đổi với nhau. Chúng tôi tôn trọng và ủng hộ nỗ lực của Lithuania và Đài Loan nhằm tăng cường quan hệ và hợp tác thiết thực giữa họ”.
Lithuania bị Trung Quốc trả đũa kinh tế - Ảnh: Getty Images
Nhưng theo The Financial Times, căng thẳng ngoại giao Trung Quốc - Lithuania khiến Mỹ đau đầu. Washington muốn giúp Đài Loan tăng cường vị thế trên trường quốc tế, tuy nhiên phải đảm bảo không để Bắc Kinh có cơ hội cáo buộc Mỹ vi phạm chính sách “một Trung Quốc”.
Năm ngoái, Đài Loan từng đề nghị Mỹ đổi tên Văn phòng đại diện Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại nước này thành Văn phòng đại diện Đài Loan. Washington không đáp ứng.
Vụ việc cũng gây chia rẽ ngay trong Lithuania. Tổng thống Gitanas Nauseda đánh giá quyết định mở cơ quan ngoại giao dùng tên “Văn phòng đại diện Đài Loan” là một sai lầm. Cuộc thăm dò của Bộ Ngoại giao vào tháng trước cho thấy chỉ 13% người dân ủng hộ chính sách Trung Quốc của chính phủ Lithuania.
Trong một cuộc gặp có Tổng thống cùng Ngoại trưởng Lithuania tham gia tuần qua, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp bức xúc bày tỏ rằng họ bị “hy sinh” vì một chính sách không được lòng dân. Nhưng phía Thủ tướng Ingrida Simonyte khẳng định chính phủ quyết không thay đổi.
Theo một nguồn tin ngoại giao: “Một trong những vấn đề lớn là Đài Loan không muốn đổi tên và ở Lithuania có một nhóm ảnh hưởng rất lớn cũng không muốn”.
Trong lúc căng thẳng, Tổng thống Nauseda hối thúc Bộ Ngoại giao Lithuania thực hiện kế hoạch giảm leo thang theo thỏa thuận với các đối tác EU.
EU đã lên tiếng ủng hộ Lithuania mạnh mẽ, nhưng chưa đưa ra phản ứng chung chính thức khi khối định tổ chức cuộc họp cấp cao với Trung Quốc vào tháng 3. Hơn nữa EU luôn cam kết tuân thủ chính sách “một Trung Quốc” mặc dù tuyên bố sẵn sàng đứng lên chống lại áp lực chính trị và các biện pháp chèn ép áp dụng với bất cứ quốc gia thành viên nào.
Theo học giả Bonnie Glaser thuộc Quỹ Marshall (Đức): “Cuộc khủng hoảng này trở nên nghiêm trọng có thể đem lại kết quả xấu cho cả Lithuania lẫn Đài Loan. Thành lập được cơ quan đại diện mới và mở rộng được quan hệ với Lithuania một cách nhanh chóng đã là một thắng lợi lớn cho Đài Loan rồi, bất kể cơ quan đại diện lấy tên gì”.
Nhưng một quan chức Đài Loan cảnh báo: “Một khi họ chấp nhận thỏa hiệp về tên gọi của Đài Loan, Trung Quốc sẽ biết rằng những gì đang làm đem lại hiệu quả. Điều này khuyến khích Trung Quốc gia tăng sức ép lên Lithuania và nhiều nước khác”.