Mỹ hoãn áp thuế 46%: Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần làm gì?
Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong 90 ngày đã nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế.
Vấn đề đặt ra là liệu các doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được quãng thời gian ngắn ngủi này để xoay chuyển tình thế, nhất là doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu nông sản.

Sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh nguồn VGP
Ngay sau khi thông tin Mỹ hoãn áp thuế được công bố, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, điện tử và đồ gỗ đã bày tỏ sự nhẹ nhõm và kỳ vọng, vì vừa tránh được áp lực tài chính vừa duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Ngoài ra, động thái này cũng tạo cơ hội cho Việt Nam và Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận thương mại công bằng, bền vững, đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng: 90 ngày là thời gian khá ngắn để đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện. Hai bên cần tận dụng tối đa cơ hội để giải quyết các vấn đề tồn đọng và đạt được sự đồng thuận. Việc Mỹ vẫn duy trì mức thuế 10% đối với nhiều quốc gia và tăng thuế cao với hàng hóa Trung Quốc cho thấy chính sách thương mại của Mỹ vẫn còn nhiều biến động. Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tiếp tục theo dõi và điều chỉnh chiến lược thương mại để thích ứng với tình hình mới.
Năm 2024, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt 13,8 tỷ USD, chiếm 21,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Vì vậy, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 46% cũng là dịp để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam tranh thủ giải phóng hàng hóa. Đồng thời, chuẩn bị tâm thế, chủ động phương án ứng phó trong dài hạn.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, ca cao, rau quả tươi và chế biến, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ thường mang lại giá trị cao hơn nhiều so với thị trường khác. Sau lệnh tạm hoãn áp thuế đối ứng 46% của Chính phủ Mỹ, đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu tại Mỹ đã tăng nhanh lượng đơn đặt hàng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải tổ chức sản xuất 3 ca để kịp cung ứng cho đối tác.
Xuất khẩu hồ tiêu sang Mỹ hiện chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu cả nước (với khoảng 72.300 tấn, giá trị gần 410 triệu USD) trong năm ngoái. Hiện xuất khẩu hồ tiêu vào thị trường này trong quý I-2025 vẫn duy trì được nhịp độ, với hơn 11.000 tấn (trong tổng 47.000 tấn hồ tiêu xuất khẩu của cả nước), giá trị thu về 83,4 triệu USD. Giữa tháng 4, giá hồ tiêu ở các vùng trồng trọng điểm như Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Quốc dao động trong khoảng 150-160 ngàn đồng/kg. Nếu giữ được thị trường Mỹ, ngành hàng hồ tiêu của chúng ta sẽ tiếp tục mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước và người trồng hồ tiêu.
Cùng với đó, giá cà phê xuất khẩu trên thị trường thế giới và trong nước đều hồi phục. Hiện giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đã đạt mốc 5.200 USD/tấn (135 ngàn đồng/kg), nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức giá đỉnh trong tháng 3-2025. Sau khi Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng, giữa tháng 4, cà phê Robusta đã phục hồi về mức giá 130-134 ngàn đồng/kg.
Trái cây đặc sản cũng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Xoài, bưởi, chanh dây vẫn có thể tiếp tục vào Mỹ do có lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực đang chịu mức thuế cao. Theo ông Đặng Phúc Nguyên-Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Mỹ là thị trường tiêu thụ rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). Thị trường này có vai trò quan trọng với tốc độ tăng trưởng và ổn định giá cả cho nông sản xuất khẩu Việt. Quý II là “thời gian vàng” để các doanh nghiệp xuất khẩu nông-lâm-thủy sản Việt Nam tìm kiếm giải pháp, giữ thị trường quan trọng này.
Tại các cuộc làm việc với bộ, ngành bàn giải pháp ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng không phải duy nhất. Đây là cơ hội để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, chuyển hướng xâm nhập vào các thị trường khác còn nhiều tiềm năng như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Ấn Độ, ASEAN… Lúc này đòi hỏi sự bản lĩnh, trí tuệ, chủ động xử lý tình huống, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đảm bảo duy trì ổn định vùng nguyên liệu, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và người dân.