Mỹ hoãn viện trợ tên lửa tầm xa mới cho Ukraine sang năm sau
Ukraine sẽ phải đợi đến năm sau mới nhận được lô hàng tên lửa bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB), loại vũ khí có thể tấn công ở phạm vi gần 160 km mà Mỹ đã cam kết viện trợ trước đây.
Theo tài liệu hãng tin Reuters thu thập được, mùa thu năm ngoái, Boeing đồng ý vận chuyển cho Mỹ bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) tới Ukraine. Theo đó, mốc thời gian vận chuyển sớm nhất là từ tháng 3 đến tháng 5. Tuy nhiên tờ Politico đưa tin vào tháng 2 rằng lô bom đầu tiên phải đến cuối năm 2023 mới được giao.
Hiện Ukraine cần GLSDB để sử dụng cho hệ thống phóng ATACMS có tầm bắn gần 160 km mà Mỹ đã gửi. Điều này cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu ở khoảng cách gấp đôi so với tên lửa bắn từ Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.
Theo nguồn tin của Reuters, Boeing dự kiến giao GLSDB cho Mỹ vào cuối tháng 12, sau đó loại bom thông minh này cần trải qua vài tháng kiểm tra trước khi được gửi sang Ukraine. Phía Lầu Năm Góc cũng xác nhận dự kiến sang đầu năm 2024 mới chuyển giao vũ khí này do phải tiến hành kiểm tra.
Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, vì hợp đồng bắt đầu sản xuất GLSDB được ký vào tháng 3 năm nay nên việc giao hàng buộc phải diễn ra vào cuối năm. Việc sản xuất bom cần nguyên liệu do chính phủ cung cấp nên việc bắt đầu ký kết hợp đồng đã bị trì hoãn.
GLSDB được sản xuất bởi SAAB AB và Boeing của Thụy Điển. Tầm bắn tối đa của vũ khí này có thể đạt gần 160 km nhờ kết hợp động cơ rocket M26 với đầu đạn đường kính nhỏ GBU-29. Bom sử dụng tín hiệu GPS, sở hữu công nghệ chống gây nhiễu điện tử, dùng tốt trong mọi điều kiện thời tiết và chống được xe bọc thép.
Hoài Phương (theo Reuters)