Mỹ hứa hẹn tiêu hủy kho vũ khí hóa học trước mùa thu 2023
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ tiêu hủy kho vũ khí hóa học còn lại ở nước này vào mùa thu năm 2023, trong khi Nga đã xử lý xong từ lâu.
Tổng thống Joe Biden hôm 13/5 tuyên bố Mỹ sẽ tiêu hủy kho vũ khí hóa học còn lại trên lãnh thổ Mỹ vào mùa thu năm 2023. Tuyên bố được ông Biden đưa ra trước khi tới dự Hội nghị kiểm soát vũ khí quốc tế sẽ diễn ra vào tuần tới tại The Hague.
Một tuyên bố đăng trên trang điện tử của Nhà Trắng nêu rõ: "Chúng tôi đang trên đà hoàn thành việc phá hủy kho dự trữ vũ khí hóa học của mình vào mùa thu này - một cột mốc về giải trừ quân bị, duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về tính minh bạch và an toàn công cộng."
Tuyên bố cũng có đoạn, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) để "ngăn chặn việc tàng trữ, sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học trên toàn thế giới”.
Công ước Vũ khí Hóa học (CWC), có hiệu lực từ năm 1997 nêu rõ các bên ký tham gia phải cam kết loại bỏ tất cả các kho dự trữ vũ khí hóa học.
CWC có hiệu lực từ năm 1997, với hơn 96% các kho vũ khí hóa học của 192 nước tham gia công ước sẽ bị tiêu hủy dưới sự giám sát của OPCW.
Về mặt pháp lý, Mỹ phải làm điều đó vào cuối năm nay. Phía Mỹ cam kết tiêu hủy vũ khí hóa học cuối cùng còn sót lại được cất giữ trong các kho ở Colorado và Kentucky trước ngày 30 tháng 9 năm 2023.
Moscow và Bắc Kinh đã nhiều lần hối thúc Washington đẩy nhanh quá trình tiêu hủy các kho vũ khí hóa học bởi Mỹ là thành viên duy nhất chưa hoàn thành các nghĩa vụ này.
Trung Quốc chưa tuyên bố sở hữu vũ khí hóa học nào, nhưng có những kho dự trữ cũ bị Nhật Bản bỏ lại trên lãnh thổ Trung Quốc trong Thế chiến II. Số vũ khí này hiện đang trong quá trình tiêu hủy.
Trong khi đó, Nga đã thanh lý toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình vào năm 2017. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ngày 27/9/2017, tại làng Kizner ở Cộng hòa Udmurtia thuộc Nga đã tiêu hủy kho lưu trữ vũ khí hóa học cuối cùng của mình.
Ông Putin nhấn mạnh đây là một bước tiến đáng kể trên con đường đến một thế giới bền vững và ổn định hơn. Việc loại bỏ vũ khí hóa học ở Nga được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế và hoàn toàn tuân thủ các quy định của OPCW.
Phía Nga kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hóa học hãy học theo Nga và nỗ lực mạnh mẽ để loại bỏ toàn bộ vũ khí hóa học của mình trong thời gian ngắn nhất có thể, trong khi các nước đứng ngoài cam kết cũng nên tham gia vào tổ chức OPCW.
Tổng thống Putin đã bày tỏ niềm tin rằng sự quyết tâm sẽ giúp đạt được mục tiêu chung là tạo ra một thế giới không có vũ khí hóa học.