Mỹ hưởng lợi từ lập trường trung lập của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine

Washington cho rằng sự cân bằng của Trung Quốc giữa Nga và phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Moskva ở Ukraine là hành động có lợi cho Mỹ.

Hãng tin Reuters ngày 7/4 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng, việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine là một "chiến thắng", nhấn mạnh hành động cân bằng của Bắc Kinh giữa Nga và phương Tây là kết quả tốt nhất cho Washington.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Thetimes.co.uk

Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Thetimes.co.uk

Bắc Kinh đã từ chối gọi các hành động của Nga ở Ukraine là một "cuộc xâm lược" và liên tục chỉ trích những gì họ cho là các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp của phương Tây đối với Moskva.

Tuy nhiên, áp lực do Mỹ dẫn đầu đối với Trung Quốc, bao gồm cả sức ép từ các lệnh trừng phạt thứ cấp nếu nước này hỗ trợ cho Nga, dường như đang khiến Bắc Kinh giữ quan điểm trung lập đối với cuộc xung đột.

Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong hai cuộc bỏ phiếu không ràng buộc của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng trước. "Đó là một chiến thắng khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Chúng tôi muốn họ bỏ phiếu ủng hộ, nhưng một phiếu trắng sẽ tốt hơn là họ bỏ phiếu phản đối", Đại sứ Linda Thomas-Greenfield nói.

Trung Quốc và Nga đã tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược "không có giới hạn" vài tuần trước chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hai nước cũng đã thiết lập quan hệ năng lượng và an ninh chặt chẽ hơn trong những năm gần đây để cạnh tranh với Mỹ và phương Tây.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine trong các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của nhiều nước lớn, nhưng vẫn chưa có hành động ngoại giao tương tự với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Mặc dù vậy, Bắc Kinh cũng đã viện trợ nhân đạo cho Ukraine trị giá khoảng 2,37 triệu USD cho các mặt hàng như chăn và sữa bột trẻ em.

Các nhà phân tích cho rằng họ vẫn chưa nhận thấy bất kỳ dấu hiệu chính nào cho thấy Trung Quốc đang vi phạm các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây đối với Nga, nhưng có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tự hạn chế rủi đối với họ, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế.

Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang tránh các hợp đồng dầu mới với Nga dù giá giảm mạnh, khiến Bắc Kinh kêu gọi thận trọng khi các lệnh trừng phạt của phương Tây gia tăng đối với Nga. Sinopec, công ty lọc dầu lớn nhất châu Á của Trung Quốc, cũng đình chỉ các cuộc đàm phán về một khoản đầu tư lớn vào hóa dầu và liên doanh tiếp thị khí đốt ở Nga.

Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), phát biểu trên một diễn đàn trực tuyến gần đây rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy các ngân hàng Trung Quốc đang hỗ trợ các tổ chức tài chính Nga bị trừng phạt và một số công ty Trung Quốc đang hạn chế bán hàng cho Nga, từ điện thoại di động đến các linh kiện ô tô.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không muốn bị kéo vào cuộc khủng hoảng. Ông Zhang nói: "Trọng tâm thực sự là các bên liên quan tìm ra giải pháp càng nhanh càng tốt, thay vì tìm cách hướng vào một bên gián tiếp nào đó và kéo những bên gián tiếp đó vào cuộc khủng hoảng này".

Các quan chức Mỹ dường như hy vọng rằng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga sẽ không vi phạm ranh giới đỏ chính do Mỹ và EU đặt ra, vì Mỹ và EU đại diện cho một phần tư thương mại toàn cầu của Trung Quốc, so với chỉ 2,4% của Nga.

Mira Rapp-Hooper, Giám đốc khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lưu ý: "Chúng tôi cho rằng có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế Nga, nhưng Bắc Kinh cũng sẽ phải cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế của mình với EU và Mỹ".

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-huong-loi-tu-lap-truong-trung-lap-cua-trung-quoc-trong-van-de-ukraine-20220408004431151.htm