Mỹ hút 1/3 dòng vốn toàn cầu kể từ COVID-19, gây bất lợi cho các thị trường mới nổi
Việc Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ đã thúc đẩy các nhà đầu tư ngoại tìm đến chứng khoán trả thu nhập cố định của Mỹ. Các gói đầu tư vào ngành năng lượng xanh và chất bán dẫn của Tổng thống Joe Biden cũng giúp Mỹ thu hút vốn ngoại.
Bất chấp nỗ lực của một số quốc gia nhằm thuyết phục thế giới đa dạng hóa khỏi đồng USD, nước Mỹ vẫn hút được gần 1/3 tổng số vốn đầu tư xuyên biên giới kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Trong khoảng thời gian kể trên, thế giới xảy ra hai sự kiện có vẻ bất lợi đối với đồng bạc xanh. Thứ nhất, tình trạng thiếu hụt USD vào năm 2020 từng khiến các nhà đầu tư quốc tế hoảng loạn và thứ hai, lệnh phong tỏa tài sản của Nga vào năm 2022 làm dấy lên nghi ngờ về sự tôn trọng của Washington đối với quyền tự do di chuyển vốn.
Dù vậy, phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tỷ trọng của Mỹ trong tổng dòng vốn toàn cầu vẫn tăng mạnh từ năm 2020. Còn trước thời COVID, tỷ trọng trung bình của Mỹ chỉ vào khoảng 18%.
Theo tờ Bloomberg, việc Mỹ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ đã thu hút sự chú ý của với các nhà đầu tư nước ngoài. Mỹ cũng hút làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới nhờ các chương trình trị giá hàng tỷ USD của Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo và bán dẫn.
Xu hướng trên đánh dấu một chuyển biến lớn. Trước COVID, dòng vốn toàn cầu lũ lượt đổ vào các thị trường mới nổi, bao gồm Trung Quốc - nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Sau đại dịch, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng dòng vốn toàn cầu đã giảm hơn một nửa.
Tuy nhiên, lợi thế của Mỹ có thể sẽ không kéo dài bởi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có ý định giảm lãi suất trong năm nay. Và nếu ông Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, nhiều chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Biden sẽ bị đảo lộn.
Triển vọng chính sách
Ông Stephen Jen, Giám đốc Eurizon SLJ Capital, cho biết: “Dòng vốn FDI vào Trung Quốc và dòng vốn đầu tư vào Mỹ đã thay đổi đáng kể so với những năm trước đại dịch. Hướng đi của dòng vốn có lẽ sẽ chỉ thay đổi khi các chính sách ở Mỹ và Trung Quốc thay đổi”.
Theo dữ liệu của IMF, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng dòng vốn xuyên biên giới đạt 3% trong giai đoạn 2021 - 2023, giảm đáng kể so với mức khoảng 7% trong thập kỷ trước năm 2019.
Các số liệu trên giải thích lý do tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc phải nỗ lực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.
Ông Tập cũng đang chuẩn bị cho một cuộc họp của giới lãnh đạo cấp cao. Dự kiến Trung Quốc sẽ công bố các biện pháp cải cách mới ở sự kiện đó. Điều này có thể sẽ làm thay đổi suy nghĩ của giới đầu tư về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy vậy, dữ liệu tháng 4 cho thấy đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tiếp tục đi xuống, kéo dài chuỗi giảm sang tháng thứ 4.
Và trong bối cảnh lãi suất tại Trung Quốc rơi xuống gần mức thấp nhất trong thời hiện đại, vốn trong nước cũng đang đổ ra nước ngoài. Bằng chứng là trong tháng 4, các doanh nghiệp nội địa đã mua nhiều ngoại hối nhất kể từ năm 2016.
Ngược lại, nền kinh tế Mỹ lại chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong dòng vốn toàn cầu. Tuần trước, World Bank đã nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 dựa trên sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Điều này phản ánh tác động lớn của Mỹ đến thế giới. Dữ liệu IMF cho thấy trên cơ sở ròng, Mỹ đã nhận được dòng vốn tương đương khoảng 1,5% GDP trong giai đoạn 2021 - 2023.
Đối với các thị trường mới nổi cần có thêm vốn ngoại để bắt kịp với những nền kinh tế tiên tiến, tình huống trên hoàn toàn không có lợi. IMF cho biết dòng vốn ròng đã chảy ngược ra khỏi các thị trường mới nổi, lần thứ hai kể từ năm 2000.
Năm ngoái, tổng vốn FDI vào các nền kinh tế mới nổi chỉ tương đương với 1,5% GDP - mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ.
Ông Jonathan Fortun, nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế, bình luận: “Nền kinh tế mạnh mẽ nhất đang thu hút mọi sự chú ý của nhà đầu tư, làm khô cạn một phần dòng tiền chảy vào các thị trường mới nổi”.
Dòng vốn đổ vào Mỹ hiện liên quan tới các dự án được chính sách kinh tế của chính quyền ông Biden hỗ trợ. Ví dụ, Samsung dự kiến sẽ nhận được khoản tài trợ trị giá 6,4 tỷ USD để tăng cường sản xuất chip ở Texas, trong khi tập đoàn Hàn Quốc này sẽ đầu tư tổng cộng hơn 40 tỷ USD cho dự án đó.
Thay đổi tiềm tàng
Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã phát tín hiệu sẽ khởi động chu kỳ giảm lãi suất vào cuối năm nay. Động thái của Fed có thể làm giảm bớt sức hấp dẫn đối với các tài sản trả thu nhập cố định của Mỹ.
Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong chưa đầy 5 tháng tới và có khả năng sẽ dẫn đến rất nhiều xáo trộn về chính sách, bao gồm thuế quan và các mối quan hệ ngoại giao.
Khối nợ công tăng vọt cũng làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ sẽ sớm gặp khủng hoảng ngân sách. Ông Alexis Crow, trưởng bộ phận đầu tư địa chính trị của PwC, cho biết mức nợ công và thâm hụt ngân sách lớn đe dọa sẽ làm hại một số điểm cộng của Mỹ trong mắt các nhà đầu tư, bao gồm danh tiếng là tài sản an toàn bậc nhất thế giới của trái phiếu kho bạc Mỹ.