Mỹ kêu gọi bán vũ khí cho Ukraine: Ai nhanh chân hơn?
Lầu Năm Góc kêu gọi các đồng minh dỡ bỏ hạn chế cung cấp vũ khí cho Ukraine; trong khi trước đó, Vương quốc Anh đã ủng hộ lời kêu gọi này.
Hôm 28/10, bà Laura Cooper, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nga, Ukraine và Âu-Á đã kêu gọi tất cả các đồng minh của Washington dỡ bỏ hạn chế cung cấp vũ khí sát thương “mang tính phòng thủ” cho Ukraine.
"Trước hết, tôi muốn tất cả các nước đồng minh dỡ bỏ hạn chế đối với việc cung cấp viện trợ dưới dạng vũ khí phòng thủ sát thương. Hiện tại, Mỹ đã cung cấp các hệ thống tên lửa Javelin và Gruzia và Ukraine đã có được chúng" - bà Cooper cho biết trong một sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Center for Strategic and International Studies, viết tắt: CSIS).
Bà bày tỏ quan điểm rằng, do những mối đe dọa từ quốc gia láng giềng khổng lồ nên Ukraine cần phải có được các phương tiện cần thiết để tự bảo vệ mình. “Do đó, tôi mong muốn những hạn chế này phải được dỡ bỏ”- nữ phó trợ lý cho nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc kết luận.
Vào giữa tháng 10 ông Alexei Arestovich, cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine nói rằng, nước này đã nhận được các lô hàng vũ khí sát thương mới được cung cấp từ Hoa Kỳ. Theo ông, máy bay Mỹ đã mang theo "nhiều vũ khí tấn công có độ chính xác cao".
Trước đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin công bố rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua gói viện trợ quân sự mới trị giá 60 triệu USD cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp tên lửa Javelin.
Năm 2017, chính quyền của ông Donald Trump đã phê duyệt việc cung cấp vũ khí cho Kiev, trong đó có hệ thống tên lửa chống tăng vác vai Javelin, trong khi chính quyền tiền nhiệm thời ông Barack Obama đã từ chối thực hiện điều này, bất chấp phía Ukraine nhiều lần đề nghị.
Moskva đã cảnh báo không chỉ một lần về kế hoạch cung cấp vũ khí cho Kiev, vì bước đi này sẽ chỉ dẫn đến leo thang xung đột ở Donbass.
Như ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga đã nhiều lần tuyên bố, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine từ bên ngoài sẽ không thúc đẩy được việc giải quyết khủng hoảng Donbass và thực hiện các thỏa thuận Minsk.
Đa số các chính trị gia châu Âu đã lên tiếng phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ví dụ, cựu chủ tịch OSCE, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, việc coi những bước đi như vậy là một biện pháp nhằm thoát khỏi khủng hoảng, là rất rủi ro và phản tác dụng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều đồng minh của Mỹ ủng hộ lời kêu gọi này, mà Anh là quốc gia hăng hái nhất. Điển hình như Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh vừa qua đã xác nhận thông tin về ý định bán tên lửa chống tăng Brimstone có giá cao ngất ngưởng 138 nghìn USD/quả cho Ukraine.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Anh vừa qua đã thảo luận về việc bán tên lửa Brimstone do tập đoàn MBDA chế tạo cho Kiev để lắp đặt trên các tàu Hải quân Ukraine. Ngoài ra, hai bên đang xem xét khả năng cung cấp tên lửa Brimstone phóng từ máy bay giá gần 138 nghìn USD.
Vào tháng 10 năm ngoái, nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky đã ký một hợp đồng với Cơ quan tín dụng - xuất khẩu của Vương quốc Anh, trong đó thỏa thuận việc cung cấp thiết bị quân sự hiện đại và vũ khí tối tân có độ chính xác cao cho Kiev, tổ chức sản xuất một số sản phẩm quân sự ở Ukraine, cũng như xây dựng các công trình làm căn cứ cho Hải quân Ukraine.
Văn phòng Tổng thống Ukraine nói rõ, việc Vương quốc Anh chi 1,4 tỷ USD sẽ giúp tái trang bị cho Hải quân Ukraine các tàu chiến mang tên lửa hiện đại tương thích với tiêu chuẩn NATO.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, những máy bay và tàu chiến cổ lỗ sĩ của Ukraine không có khả năng mang hoặc sử dụng những tên lửa hiện đại đang được phát triển ở các nước NATO, bởi chúng được thiết kế và sử dụng các hệ thống trinh sát, giám sát và chỉ huy-kiểm soát hoàn toàn khác.
Hơn nữa, chỉ phóng 10 tên lửa dạng này đã ngốn của Ukraine gần 1,4 triệu USD, điều đó sẽ là gánh nặng lớn đối với nước này. Do đó, đối với Kiev, việc chi tiền mua tên lửa chỉ có một ý nghĩa duy nhất là duy trì liên lạc với các đồng minh phương Tây, vốn đang suy yếu từng ngày.