Mỹ kêu gọi các nước Arab không đặt thời hạn cho giải pháp hai nhà nước thời hậu chiến

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách ngăn cản các đối tác Arab thúc đẩy tầm nhìn sâu rộng về giải pháp hòa bình giữa Israel và Palestine khi xung đột ở Dải Gaza kết thúc, thay vào đó đưa ra một khuôn khổ thu nhỏ hơn.

Các tài liệu do tờ The Times of Israel thu thập được nêu chi tiết các nguyên tắc mà Mỹ mong muốn thúc đẩy để đảm bảo lệnh ngừng bắn ở Gaza, bao gồm Nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới năm 1967 như đã được nêu ra trong Sáng kiến Hòa bình Arab.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại cuộc gặp ở Bờ Tây ngày 15/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại cuộc gặp ở Bờ Tây ngày 15/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Tài liệu cho biết kể từ đầu năm nay, Mỹ đã dẫn đầu một nhóm liên lạc gồm các bộ trưởng hàng đầu từ Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Ai Cập, Jordan và Chính quyền Palestine (PA) để thúc đẩy kế hoạch quản lý Dải Gaza thời hậu chiến.

Tài liệu bị rò rỉ tiết lộ nhóm bộ trưởng các nước Arab đã thảo luận để phối hợp như một nhóm độc lập với Mỹ. Hồi tháng 4, nhóm đã hoàn thành soạn thảo tầm nhìn hậu chiến - bao gồm sự công nhận quốc tế ngay lập tức đối với Nhà nước Palestine, thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và PA – các cuộc đàm phán này sẽ hoàn thành trong vòng 2 năm, quyền kiểm soát các cửa khẩu Bờ Tây của Israel sẽ được chuyển giao cho PA.

Theo một nhà ngoại giao Arab cấp cao quen thuộc với vấn đề này, mặc dù ủng hộ giải pháp hai nhà nước rộng lớn hơn mà sáu đối tác Arab đang cố gắng thúc đẩy, nhưng Mỹ họ cho rằng đề xuất của những quốc gia này “hoàn toàn phi thực tế”.

Nhưng không thể đơn giản từ chối đề xuất của các nước Arab mà không đưa ra giải pháp thay thế, Bộ Ngoại giao Mỹ đã soạn thảo một loạt nguyên tắc có thể được sử dụng làm cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp tục với các đối tác ở Trung Đông.

Vị quan chức giấu tên cũng thừa nhận sáng kiến này không phải là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Biden, vốn đang đặt trọng tâm nhiều hơn vào việc đảm bảo thỏa thuận con tin, trước khi chấm dứt cuộc chiến Israel – Hamas.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan (phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Riyadh ngày 29/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan (phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Riyadh ngày 29/4/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết tài liệu của Bộ Ngoại giao có tiêu đề “Tuyên bố chung về các nguyên tắc hỗ trợ một tương lai hòa bình cho Israel và Palestine” đã nhận được sự chấp thuận từ Nhà Trắng. Ông nói thêm rằng Washington đã sử dụng tài liệu này làm cơ sở để tiếp tục đàm phán với các nước Arab, bao gồm cả các cuộc họp mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tổ chức ở Ai Cập, Qatar và Jordan vào đầu tuần tới.

Tài liệu này rất giống với các nguyên tắc thời hậu chiến mà ông Blinken đặt ra ở Tokyo vào ngày 8/11/2023, mặc dù có thêm một số bổ sung.

Trả lời yêu cầu bình luận về tài liệu này, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Đây là một phần trong nỗ lực cân nhắc lớn hơn mà chúng tôi đã thực hiện trong những tháng qua với các đối tác Arab”.

Đáng chú ý, tầm nhìn của Mỹ không ủng hộ “con đường có thời hạn, không thể đảo ngược để hướng tới Nhà nước Palestine”, như Ngoại trưởng Blinken đã nhiều lần khẳng định rằng việc Saudi Arabia đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel là cần thiết.

Các nhà quan sát cho rằng dù là con đường không thời hạn, Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chắc chắn sẽ không chấp thuận đề xuất này. Ông Netanyahu từng tuyên bố việc công nhận Nhà nước Palestine sẽ giống như một “phần thưởng” cho Hamas sau khi nhóm này thực hiện vụ tấn công ngày 7/10/2023.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo ToI)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-keu-goi-cac-nuoc-arab-khong-dat-thoi-han-cho-giai-phap-hai-nha-nuoc-thoi-hau-chien-20240609183847396.htm